Tim bẩm sinh ở người lớn và những biến chứng phức tạp

Thảo Vi, icon
10:46 ngày 26/04/2018

VTV.vn - Tim bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm và nếu để quá lâu hay phát hiện muộn có thể gây ra những biến chứng không thể khắc phục.

Bệnh tim bẩm sinh không chỉ có ở trẻ em. Ở người lớn, căn bệnh này vẫn tồn tại và đến nay, số người lớn nhập viện vì bệnh tim bẩm sinh đang tăng lên. Đối với những bệnh nhân tim bẩm sinh ở tuổi trưởng thành, căn bệnh có thể gây ra nhiều trở ngại về sức khỏe và cuộc sống, nghề nghiệp.

Buổi livesteam sáng nay (26/4) của chương trình Trái tim cho em đã trao đổi về chủ đề "Chẩn đoán, điều trị và theo dõi tim bẩm sinh ở người lớn" với PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch,Trung tâm Tim mạch và ThS.BS Đào Anh Quốc, Khoa phẫu thuật tim mạch, Trung tâmTim mạch – Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Trung tâm Tim mạch:

Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn có 3 trường hợp chính:

- Được phát hiện từ nhỏ nhưng tổn thương nặng không điều trị được triệt để và chỉ điều trị nội khoa.

- Không phát hiện được bệnh vì bệnh không quá phức tạp và khi lớn bệnh tiến triển nặng.

- Đã được phẫu thuật khi nhỏ nhưng vẫn cần theo dõi, điều trị.

Như bệnh thông liên nhĩ là bệnh một dạng bệnh nhẹ, đơn giản củatim bẩm sinh có tỷ lệ phát hiện khi còn nhỏ là 10 – 15% và khi đã trưởng thành là 30 – 40%.

Khi phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân có thể gặp những nguy cơ như suy tim, tăng áp lực trên mạch máu phổi và gây ra những biến chứng không thể khắc phục. Việc điều trị, phẫu thuật gặp nhiều khó khăn và chăm sóc hậu phẫu cũng không dễ dàng, áp lực phổi cao sau phẫu thuật.

Bệnh tim bấm sinh là bệnh lý nguy hiểm và phải theo dõi thường xuyên kể cả khi đã phẫu thuật. Theo khuyến cao của tổ chức y tế Thế giới và hội Tim mạch Việt Nam năm 2010, đa số bệnh tim bẩm sinh cần theo dõi lâu dài ít nhất mỗi năm một lần do bác sĩ chuyên khoa. Chỉ có 1 số bệnh tim bẩm sinh thể nhẹ như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống đm là không phải theo dõi lâu dài.

Ngoài bệnh tim bẩm sinh là bệnh được phát hiện từ trong phôi thai còn có bệnh lý tim mắc phải. Bệnh tim mắc phải được hình thành trong quá trình trưởng thành và có một số nguyên nhân nổi bật: bệnh lý về mạch vành, bệnh xơ vữa động mạch, viêm nhiễm như thấp tim, thoái hoá, suy giảm miễn dịch (hiv, lao).

Trao đổi với ThS.BS Đào Anh Quốc, Khoa phẫu thuật tim mạch, Trung tâmTim mạch – Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm:

Có những bệnh tim như thông liên nhĩ, thông liên thất nhẹ, còn ống động mạch thì người mắc bệnh vẫn sống đến tuổi trưởng thành dù không được phẫu thuật.

Trong thực tế, phần lớn các trường hợp phát hiện bệnh muộn là do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi khám, siêu âm từ nhỏ hay chủ quan với sức khỏe và đến khi bệnh trở nặng mới đi khám.

Cách đây hơn 1 tuần, tôi có gặp một trương hợp bị tim bẩm sinh còn ống động mạch, chỉ cần can thiệp đơn giản vói chi phí không quá nhiều nhưng bệnh nhân bỏ qua không điều trị vì nghèo.

Qua những câu chuyện của các bác sĩ chia sẻ, chúng ta có thể thấy có rất nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng vì hoàn cảnh khó khăn đã bỏ qua vấn đề sức khỏe của mình. Nhờ có chương trình Trái tim cho em và những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình, nhiều trẻ nhỏ được giúp đỡ làm phẫu thuật kịp thời và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi hy vọng các nhà hảo tâm sẽ luôn tin tưởng và cùng bước đi trên con đường thiện nguyện này cùng chương trình.

Mọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm xin vui lòng chuyển tới:

Văn phòng Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.

Hoặc chuyển khoản ủng hộ qua số tài khoản VNĐ: 002 110 130 6008 - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - Chi nhánh Ba Đình Hà Nội.

Hotline: 024 6296 9969

Những thắc mắc về bệnh tim bẩm sinh của trẻ nhỏ và tư vấn giúp đỡ mời quý vị lên fanpage của chương trình:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục