Tránh nguy cơ đột quỵ sau giấc ngủ mùa đông

Theo Dân trí, icon
03:08 ngày 30/12/2014

Mùa đông là thời điểm bệnh đau tim và đột quỵ ở người cao tuổi gia tăng, trong đó, đột quy sau khi người cao tuổi ngủ dậy chiếm tỉ lệ lớn.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, người già cần bảo đảm chế độ giấc ngủ sao cho lưu thông khí huyết, tránh “sốc nhiệt” gây ra bệnh lý trên.

“Thủ phạm” gây đột quỵ vào sáng sớm

Thống kê của các bệnh viện cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15% so với bình thường. Trong đó, đa phần là người cao tuổi có các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, từng bị cơn thiếu máu thoáng qua, uống rượu bia…

Một khảo sát tại Mỹ cho biết, khoảng 50% những cơn đau tim xảy ra là vào mùa đông. Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Sức Khoẻ ở Paris, Pháp thực hiện cho thấy, huyết áp con người thường dao động theo mùa và đặc biệt có khuynh hướng tăng cao trong mùa đông, nhất là ở những người già. Chính sự thay đổi lớn về nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ, gây đột quỵ.

Theo các chuyên gia nội thần kinh, thời điểm bệnh nhân bị đột quỵ thường là buổi sáng, nói chính xác là bị từ ban đêm đến sáng sớm, nhưng người nhà phát hiện được trong khoảng thời gian từ 7-9 giờ sáng.

Trước câu hỏi đặt ra, tại sao người cao tuổi thường bị vào đêm và sáng sớm, theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

Ở người già, do khả năng miễn dịch, khả năng chịu lạnh kém hơn người trẻ tuổi, mạch máu giảm tính đàn hồi, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết. Đặc biệt, với những người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên, sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong.

“Vào buổi đêm, người cao tuổi thường bị lạnh hơn người trẻ tuổi. Khả năng chịu lạnh kém nên nguy cơ càng cao. Còn vào sáng sớm, do đang trong chăn ấm, dậy và ra ngoài đột ngột gặp lạnh dẫn đến hiện tượng trên”, một chuyên gia cho biết.

Giải pháp đơn giản phòng đột quỵ

Theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi vào mùa đông, cần chú ý các yếu tố sau:

Cần vận động nhiều vào mùa đông. Nếu lạnh nên vận động trong nhà, nơi không có gió lùa.

Ăn uống đủ chất nhưng hạn chế các món ăn nhiều chất béo, đường, mặn.

Phòng ngủ cần đảm bảo đủ độ ấm, cung cấp oxy tốt nhưng không bị gió lùa.

Giường ngủ sạch sẽ, đệm êm, đảm bảo độ cứng cũng như độ thoáng khí cho cơ thể.

Đối với người già, mùa đông nên sử dụng thiết bị sưởi ấm trong phòng ngủ như quạt sưởi, đệm điện, điều hòa hai chiều…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục