Tự chích nhọt ở mông, bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn đe dọa tính mạng

Theo N.Giang/Người đưa tin, icon
05:16 ngày 03/05/2017

VTV.vn - Bệnh nhân H. (40 tuổi) đang hôn mê, suy đa tạng phải lọc máu hiện đại để duy trì sự sống vì không may mắc phải siêu vi khuẩn.

Được biết, bệnh nhân Nguyễn Văn H. (40 tuổi, trú tại Hưng Yên) sau khi chích nhọt ở phần cạnh hậu môn đã bị sốt cao liên tục, ý thức xấu dần và suy hô hấp nên phải vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Hưng Yên điều trị nhưng không đỡ.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bệnh nhân được điều trị tích cực, tình trạng bệnh dần cải thiện.

Cũng rơi vào tình cảnh nhiễm siêu vi khuẩn giống bệnh nhân H., một nam giới ở Hà Nội bị tiểu đường và đã thực hiện phẫu thuật bệnh lý ở cơ sở y tế khác. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân mắc phải siêu vi khuẩn dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn và phải chuyển vào bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Tự chích nhọt ở mông, bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn đe dọa tính mạng - Ảnh 1.

Tình trạng nhiễm siêu vi khuẩn ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa).

Tại khoa Hồi sức tích cực, bác sĩ tiến hành tìm nguyên nhân thì phát hiện bệnh nhân mang một vi khuẩn siêu kháng thuốc. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi sự nguy hiểm nhưng chi phí điều trị lớn, khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Theo ghi nhận của PV báo Người đưa tin, tại khoa Hồi sức tích cực ,bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, phải thở máy lâu, có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ngay chính tại bệnh viện. Không ít trường hợp mắc siêu vi khuẩn khi điều trị các bệnh lý khác.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh ngay khi vào viện do tiếp xúc với môi trường vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc có tiền sử sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, khiến vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó.

Trả lời báo chí, PGS. Nguyễn Việt Hùng (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai ) cho biết, hiện nay các vi khuẩn kháng thuốc gặp nhiều nhất là vi khuẩn gram âm và trực khuẩn mủ xanh. Điều đáng nói, thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi vô tình khiến cho các vi khuẩn đang ký sinh trên da cũng trở nên kháng thuốc, đây là cơ hội cho vi khuẩn tấn công, nhất là các siêu vi khuẩn đa kháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục