Tư vấn phân biệt đột quỵ và trúng gió

Nguyệt Ánh, Trọng Hoàng (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 30/01/2016

VTV.vn - Bác sỹ Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Tim Hà Nội, đã đưa ra các tư vấn cách phân biệt đột quỵ (tai biến mạch máu não) với trúng gió.

Đột quỵ và trúng gió có nhiều biểu hiện giống nhau như nhức đầu, xây xẩm mặt mày, chóng mặt hoặc nặng hơn là méo mồm, liệt chi. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn, khiến chậm trễ sơ cứu gây hậu quả đáng tiếc. Thực chất, trúng gió là từ dùng để chỉ trường hợp bất ngờ chóng mặt, mệt mỏi khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời lạnh. Còn đột quỵ là bệnh lý thần kinh, diễn ra rất nhanh, nếu không kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị, người bệnh nặng sẽ tử vong, nếu may mắn qua khỏi sẽ phải chịu di chứng tàn tật suốt đời.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Khi thời tiết lạnh, bệnh nhân có thể bị tăng huyết áp mà không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân chỉ thấy mệt, nhức đầu, chóng mặt, yếu nhẹ nửa người, muốn xỉu, choáng váng. Khi đó, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám và kiểm tra tổng thể huyết áp, tim mạch”.

Khác với trúng gió, tuyệt đối không nên xoa dầu, cạo gió, bế thốc dậy ở người đột quỵ vì dễ làm bệnh nặng hơn. Cần đặt bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao nhẹ và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa ngay đến bệnh viện.

Đồng thời với điều trị tăng huyết áp, tránh căng thẳng, chú ý yếu tố thời tiết thay đổi, cách phòng ngừa quan trọng còn là điều chỉnh thói quen sống, ăn uống khoa học, tránh thay đổi đột ngột về thể chất cũng như tinh thần.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục