Tỷ lệ xử trí đúng các bệnh thông thường ở y tế tuyến xã hiện chỉ đạt 30%

Thu Dung, icon
10:04 ngày 10/01/2018

VTV.vn - Đây là con số được Cục quản lý KCB, Bộ Y tế đưa ra sáng nay (10/1) trong khuôn khổ khóa đào tạo nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, số lượng dịch vụ y tế tại các trung tâm y tế xã còn ít. Theo nghiên cứu của Viện Chất lượng và chăm sóc y tế, các trung tâm y tế xã mới chỉ cung ứng được khoảng 52% dịch vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Thuốc thiết yếu, thuốc BHYT chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cán bộ y tế, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Đáng chú ý, tỷ lệ xử trí đúng các bệnh thông thường ở y tế tuyến xã năm qua còn thấp, nhiều bệnh tỷ lệ xử trí đúng chỉ đạt 30-40%, còn xảy ra tai biến. Người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến vượt tuyến.

Vì vậy, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân đang là mục tiêu hàng đầu của ngành y tế. Trong đó, nhiệm vụ nòng cốt là nâng cao năng lực chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình.

Phát biểu tại khóa đào tạo, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: "Nâng cao năng lực chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở là nâng cao niềm tin của người dân với y tế cơ sở. Đào tạo bác sĩ gia đình giúp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là điểm đầu tiên người bệnh tới để được chữa trị, theo dõi. Đối với các bệnh nhân nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên nhưng việc điều trị vẫn được theo dõi bởi tuyến chăm sóc ban đầu. Chăm sóc sức khỏe ban đầu tập trung vào hệ thống y tế nhằm cải thiện đầu ra về sức khỏe."

Tỷ lệ xử trí đúng các bệnh thông thường ở y tế tuyến xã hiện chỉ đạt 30% - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế

Tham gia hợp tác với Bộ Y tế nhằm thúc đẩy vấn đề này, ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh: "Khái niệm về y học gia đình đã có từ hơn 50 năm qua. Có nhiều bằng chứng về ưu điểm của mô hình này ở tất cả các hệ thống y tế tại nhiều nước trên thế giới. Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội."

Tỷ lệ xử trí đúng các bệnh thông thường ở y tế tuyến xã hiện chỉ đạt 30% - Ảnh 2.

Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, từ thực trạng hiện nay, hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu của Bộ Y tế trong những năm tới là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thích hợp cho y tế cơ sở; mở rộng, đa dạng hóa hình thức đào tạo và bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tăng cường đào tạo chuyên ngành, đào tạo bác sĩ gia đình, ưu tiên người địa phương, người dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế tài chính thích hợp cho y tế cơ sở. Đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 80% tỉnh, thành triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục