Uống thuốc Đông y sao cho hiệu quả?

Theo PNO, icon
10:23 ngày 25/09/2013

 Tuy nhiên, theo BS CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cách sắc và uống sẽ góp phần quyết định hiệu lực của thuốc.

Sắc đúng cách sẽ phần nào giảm được tác dụng phụ, đảm bảo chất lượng thuốc cho bệnh nhân. Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, ấm sắc thuốc Đông y là điều cần lưu ý đầu tiên. Nên sử dụng ấm đất, ấm sành, nồi nhôm, nồi thép không gỉ, nồi áp suất, ấm sắc thuốc bằng điện.

Khi sắc, lượng nước chỉ nên đổ ngập mặt thuốc khoảng 2cm. Nếu dùng ấm thuốc có vòi, nên lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút kín vòi ấm để ngăn thuốc sôi tràn ra ngoài. Khi mới sắc, để lửa to cho chóng sôi. Khi đã sôi, tùy loại thuốc, dùng một trong hai cách sau:

+ Với thuốc cần lấy khí: vặn xuống mức lửa vừa để nước thuốc sôi nhẹ khoảng 20 phút, nhằm giữ khí của thuốc và hòa chất thuốc. Chỉ sắc một lần.

+ Với thuốc cần lấy vị: vặn lửa xuống mức nhỏ để sôi âm ỉ khoảng 60 phút cho hòa tan chất thuốc và lấy vị. Điều chỉnh lửa để thuốc sôi nhưng không trào ra. Chắt lấy nước thuốc thứ nhất rồi đổ nước ngập thuốc khoảng 1cm, tiếp tục sắc như trên, chắt lấy nước thuốc thứ hai.

Khi sắc thuốc bằng các loại bếp, cần túc trực để điều chỉnh lửa cho phù hợp, hoặc điều chỉnh vung nồi để thuốc không trào ra ngoài. Không để thuốc cạn hết nước và cháy. Nếu nước thuốc trào ra hết, cần thêm nước cho đủ để chất thuốc có thể hòa tan tốt, không được thêm thuốc…

‘ Sắc đúng, giảm tác dụng phụ

BS Huỳnh Tấn Vũ tư vấn, khả năng chứa tối đa của dạ dày là 1,5 lít. Cần chỉnh lượng thực phẩm ăn vào vừa mức, sao cho khi uống thuốc không quá no. Người lớn thường uống một chén thuốc tương đương 250 ml/lần (dân gian hay nói đổ ba chén nước sắc còn một chén). Trẻ em thường giảm liều, bằng 1/2 hoặc 1/3 của người lớn. Với trẻ em bị nôn hoặc tiêu chảy, uống liều trên vẫn nôn, vẫn tiêu chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận, hấp thu thuốc.

Về thời gian uống thuốc, với bệnh cấp tính, nên uống khi cần, với bệnh mãn tính nên uống trước bữa ăn một giờ. Nếu là thuốc có kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, nên ăn xong rồi uống để giảm kích thích; nếu là thuốc dưỡng tâm, an thần chữa mất ngủ, nên uống trước khi ngủ. Nếu là thuốc chữa sốt rét, nên uống trước cơn sốt hai giờ.

Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền: bệnh ở thượng tiêu (từ ngực trở lên đầu) thì ăn rồi uống thuốc; bệnh ở trung tiêu (cơ quan vùng bụng trên), hạ tiêu (các cơ quan vùng bụng dưới, chi dưới) thì uống thuốc rồi ăn; bệnh ở kinh mạch tứ chi, nên uống thuốc vào sáng sớm, lúc chưa ăn; bệnh ở xương tủy, uống thuốc lúc no vào buổi tối.

Việc uống thuốc nóng, thuốc nguội tùy thuộc trạng thái bệnh tật. Nên uống lúc thuốc còn ấm. Nếu là bệnh nhiệt, phải dùng thuốc hàn, song cũng uống ấm để dạ dày dễ tiếp nhận thuốc, vì uống thuốc nguội, dạ dày dễ phản ứng, gây nôn.

Có những người sau khi uống thuốc xong thấy dễ chịu, bệnh giảm, không biểu hiện gì. Tuy nhiên, một số người sau khi uống sẽ gặp tác dụng phụ như uống xong khó chịu như có cặn ở trong họng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trướng bụng hoặc mồ hôi ra không dứt… Với những trường hợp này, bệnh nhân cần báo ngay cho thầy thuốc để có hướng cắt, giảm hoặc thay đổi liều thuốc.

Cùng chuyên mục