Vị thuốc Nam nào điều trị viêm dạ dày?

P.V, icon
11:40 ngày 20/05/2018

VTV.vn - Viêm dạ dày là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng có đến 70-80% là do vi khuẩn Helicobactery Pylori.

Khổ sâm vị thuốc quý điều trị các bệnh đường tiêu hóa

Theo TS.BS Vũ Minh Hoàn, Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội: Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc. Bệnh có đặc tính là khởi phát và diễn biến nhanh chóng, do tác dụng của tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Biểu hiện lâm sàng đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, khó tiêu, buồn nôn, hoặc nôn nhiều. Khi ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu. Đặc điểm lâm sàng của viêm dạ dày cấp là xuất hiện nhanh, mất đi nhanh.

Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh diễn biến qua nhiều tháng, nhiều năm, bệnh có những giai đoạn tạm ổn định xen kẽ với những giai đoạn tiến triển. Triệu chứng lâm sàng của viêm dạ dày mạn tính thường kín đáo, có thể là không có triệu chứng hoặc có nhưng không đặc hiệu. Triệu chứng hay gặp nhất là đau âm ỉ vùng thượng vị không có tính chất chu kỳ và không đặc hiệu. Ngoài đau âm ỉ thượng vị, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, ợ chua, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn khan, ăn kém, mệt mỏi, đại tiện có thể nát, lỏng hoặc táo bón…

Chẩn đoán viêm dạ dày chủ yếu dựa vào nội soi và mô bệnh học. Trong đó mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định viêm dạ dày mạn tính. Hình ảnh nội soi, mô bệnh học và lâm sàng viêm dạ dày mạn tính không có mối tương quan, nhiều khi triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ nhưng tổn thương lại rất nhẹ.

Từ khi phát hiện sự có mặt của vi khuẩn Helicobacter pylori trong niêm mạc dạ dày đã có sự thay đổi hẳn về quan niệm nguyên nhân gây bệnh, cũng như phương thức điều trị theo y học hiện đại và y học cổ truyền. Các thuốc y học hiện đại hiện nay rất nhiều và cho hiệu quả cao nhưng tỷ lệ kháng thuốc của H.P là một vấn đề quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu.Việc điều trị tiệt trừ H.P không đơn giản là dùng một thuốc kháng sinh mà phác đồ điều trị viêm dạ dày có nhiễm H.P có hiệu quả cần phải phối hợp 3 thuốc (PPI kết hợp với 2 kháng sinh). Với những trường hợp thất bại trong điều trị tiệt trừ H.P lần đầu phải dùng phác đồ điều trị 4 thuốc (PPI, Bismuth và 2 loại kháng sinh).

Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc thảo dược điều trị viêm dạ dày và cũng có nhiều vị thuốc có khả năng diệt vi khuẩn H.P đã được chứng minh trên thực nghiệm, lâm sàng có hiệu quả điều trị cao.

Viêm dạ dày trong y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng Vị quản thống, chủ yếu do vị khí không thông giáng do nhiều nguyên nhân khác nhau cho nên nguyên tắc điều trị chính lấy thông giáng hòa vị, kết hợp với điều trị nguyên nhân (trừ hàn, trừ thấp nhiệt, bổ hư).

Dù do nguyên nhân gây bệnh nào cũng đều gây ra khí trệ và huyết ứ mà sinh ra các chứng đau. Do vậy điều trị chứng Vị quản thống theo y học cổ truyền là sự kết hợp của các vị thuốc sau:

- Các vị thuốc lý khí hay dùng có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, làm hết các triệu chứng đầy trướng, ợ hơi, nôn mửa, giảm táo bón do trương lực cơ bị giảm nhưTrần bì (vỏ quýt), Hậu phác nam (vỏ cây vối), Mộc hương, Chỉ thực…

- Các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết như Khương hoàng (nghệ vàng), Nga truật (nghệ đen)... Muốn đẩy mạnh tác dụng thuốc hoạt huyết, người ta thường thêm một số thuốc hành khí theo nguyên tắc " Khí hành thì huyết hành" .

Vị thuốc Nam nào điều trị viêm dạ dày? - Ảnh 1.

Khương hoàng từ lâu đã được sử dụng trong điều trị bệnh lý dạ dày (Ảnh: Heathline)

-Các vị thuốc chế toan và chỉ huyết như Ô Tặc Cốt (mai mực), Tam Thất, Bồ Hoàng (cỏ nến)…có tác dụng giảm acid dịch vị và cầm máu trong trường hợp ợ chua hay chảy máu dạ dày.

- Một số vị thuốc thanh nhiệt táo thấp có vị đắng tính hàn như Hoàng liên, Đại hoàng, Khổ Sâm, Chè Dây, Giấp Cá..là những vị thuốc dùng để chữa nguyên nhân gây bệnh do thấp nhiệt. Có rất nhiều công trình nghiên cứu chứng minh các vị thuốc này có khả năng diệt vi khuẩn H.P.

-Một số vị thuốc ôn trung trừ hàn có vị cay tính ấm như Cao Lương Khương (củ riềng), Ngô Thù, Trầu Không…dùng để chữa nguyên nhân gây bệnh do hàn.Trầu không cũng đã được nghiên cứu có khả năng diệt H.P trên cả thực nghiệm và lâm sàng.

- Cơ thể chính khí hư là điều kiện thuận lợi để tà khí xâm phạm vào cơ thể hay chính khí hư là điều kiện thuận lợi để cho vi khuẩn tạm trú dài hạn trong cơ thể.Thông qua các thuốc bổ ích tỳ khí, điều chỉnh sự cân bằng âm dương và điều chỉnh chức năng miễn dịch của cơ thể. Các thuốc bổ để điều trị chứng Vị quản thống như Bạch Truật, Cam Thảo, Sâm Báo...

Thuốc nam ở nước ta điều trị viêm dạ dày có rất nhiều, dễ kiếm. Để điều trị có hiệu quả cần có sự phối hợp các vị thuốc khác nhau, theo giai đoạn bệnh khác nhau và có thể kết hợp với thuốc y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị và dùng điều trị duy trì tránh tái phát, như vậy không nên tự ý dùng thuốc cần có sự tư vấn của thầy thuốc.

Để phòng tránh bệnh viêm dạ dày cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt thích hợp. Không uống quá nhiều rượu bia, không nhịn ăn giảm cân, ăn các đồ chua khi đói, không thức khuya. Chú ý tuân thủ dùng một số thuốc gây viêm loét dạ dày. Để tránh lây nhiễm H.P không mớm thức ăn cho trẻ, vệ sinh tay trước khi ăn, vệ sinh bát đĩa sạch sẽ…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục