Việt Nam có gần 126.000 người mắc lao mới hàng năm

Lê Thạch, icon
10:56 ngày 23/03/2018

VTV.vn - Đó là con số mà Tổ chức Y tế thế giới công bố về số ca mắc lao mới tại Việt Nam.

Phát thuốc điều trị cho bệnh nhân lao

Bệnh lao trong tiềm thức con người là một bệnh đã có từ rất lâu, thuốc tứ chứng nan y. Trong cuộc sống đời thường, sự kỳ thị về bệnh lao hiện nay đã giảm đi nhiều nhưng vẫn còn không ít nặng nề trong một bộ phận người dân.

Thực tế bệnh lao hiện nay vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới dẫn đến cái chết của gần 2 triệu người hàng năm và bệnh lao kháng thuốc đang đe dọa an ninh y tế toàn cầu.

Trước thực tế đó, Đại hội đồng Y tế thế giới đã kêu gọi các nước thành viên, ra nghị quyết phải chấm dứt bệnh lao và năm 2014 đã phê duyệt chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu vào năm 2035 do Tổ chức Y tế thế giới đề xuất.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu chấm dứ bệnh lao ở Việt Nam. Theo đó, sẽ cắt giảm được 30% số mắc và 40% số chết do lao trong vòng 5 năm từ năm 2015 đến 2020. Chương trình phòng chống lao tại Việt Nam đang được thực hiện tại 100% các địa phương trong cả nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.

Hiện nay, số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi tại Việt Nam với tỷ lệ hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ chín tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%, gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí thảm họa như trước.

Tuy nhiên, dịch tễ lao ở nước ta còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục