Việt Nam đang đối mặt với tình trạng kháng thuốc sốt rét cao trong khu vực

Lê Thạch, icon
09:39 ngày 25/04/2018

VTV.vn - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Điều trị sốt rét ở Bình Phước

Hội thảo vừa được Bộ Y tế tổ chức nhân ngày phòng chống bệnh sốt rét thế giới (25/4). 

Tại hội thảo này, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá: mặc dù tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong đã giảm trên toàn quốc, gánh nặng sốt rét vẫn còn ảnh hưởng đến một số khu vực và các nhóm dân cư nhất định ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, lây truyền sốt rét chủ yếu tập trung ở những khu vực đồi, rừng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam. Trong số này, Bình Phước là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất trong cả nước với 1.352/4.548 ca sốt rét trong năm 2017. Nguyên nhân được xác định do sự gia tăng lao động nhập cư là những người ít có tiếp cận với các cơ sở y tế, cũng như tỷ lệ kháng thuốc sốt rét cao trong khu vực.

Bên cạnh dân di cư tạm thời và lao động thời vụ, các nhóm khác có nguy cơ cao nhất mắc bệnh sốt rét bao gồm cư dân sống trong rừng và bìa rừng (thường là các nhóm dân tộc thiểu số) và những người mới định cư ở rừng.

Thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có là artemisinin. Tuy nhiên, kháng artemisinin, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2008 ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nước trong khu vực bao gồm Campuchia, một số vùng của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Chiến lược loại trừ sốt rét ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn 2015-2030 đưa ra hướng dẫn loại trừ sốt rét đa kháng thuốc trong khu vực.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2008, WHO đã hợp tác với NIMPE và các Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng khu vực tại Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi tình trạng kháng thuốc sốt rét và ngăn chặn kháng thuốc lây lan bằng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, bao gồm sự phân phối rộng rãi các tấm màn tẩm hóa chất diệt và chống muỗi có tác dụng lâu dài, một biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh sốt rét và đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự lây lan của sốt rét.

WHO cũng đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng kế hoạch quốc gia về ngăn chặn kháng artemisinin, phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn được đưa ra trong Kế hoạch toàn cầu về ngăn chặn kháng artemisinin năm 2011.

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét  tại Việt nam hiện nay đang gặp một số khó khăn. Đáng lo ngại là việc gia tăng tình trạng sốt rét kháng thuốc từ những người đi lao động từ Lào, Campuchia và một số nước châu Phi mang ký sinh trùng sốt rét về nước. Theo thống kê, trong tổng số 9.000 ca sốt rét mỗi năm thì có đến một nửa là sốt rét ngoại lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục