Phí bảo hiểm tiền gửi: Có nên "cào bằng"?

Đình Hải-Thứ sáu, ngày 13/09/2013 17:51 GMT+7

Dù Luật bảo hiểm tiền gửi đã được Quốc hội thông qua, song trên thực tế mô hình này vẫn chưa tạo ra sức hấp dẫn. Mức phí cho các tổ chức tín dụng được áp dụng chung về mức 0,15% đang tạo ra nhiều bất hợp lý.

Cả năm nay, trụ sở của quỹ tín dụng nhân dân xã Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang bị cỏ rác và rêu phong mọc đầy. Không ai nghĩ đây từng là trụ sở có số tiền giao dịch tại thời điểm mất khả năng thanh toán lên đến hơn 6 tỷ đồng. Giám đốc quỹ tín dụng bỏ trốn.

‘ Chỉ khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, người dân mới biết đến BHTG

Ở một vùng quê nghèo thuần nông, nghề phụ cũng chẳng giúp mang lại thu nhập là bao thì đây là cú sốc lớn với người dân. Những tưởng sẽ mất số tiền tích góp bao năm khi quỹ tín dụng vỡ, thế nhưng như "chết đuối vớ được cọc", 2 tháng sau, gia đình bà Hòa và hơn 100 hộ dân xã Trù Hựu đã nhận lại được số tiền gửi trước đó.

Bà Lê Thị Hoa cho biết: "Tin cán bộ tín dụng chạy trốn khiến chúng tôi rất lo lắng nhưng may có tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả. Đâu có ai nghĩ lại có tổ chức bảo hiểm chi trả tiết kiệm như thế".

Ông Vũ Tất Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Trù Hựu cũng cho biết: "Cán bộ tín dụng lạm quyền, bỏ chạy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Người dân đã kéo đến trụ sở xã đòi tiền, nhưng sau đó được tổ chức bảo hiểm tiền gửi phân tích và chi trả đã giúp ổn định tình hình chính trị tại địa phương".

Chỉ khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, người dân mới biết đến Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) còn trên thực tế, những chính sách liên quan hoạt động của tổ chức này đang bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng đến vai trò hoạt động cũng như quy mô tổ chức .

Theo quy định, tất cả các tổ chức tín dụng đều phải trích 0,15% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm toàn hệ thống vào BHTG. Tuy nhiên, sự "cào bằng" về một mức phí này đang vô tình tạo ra tâm lý chủ quan và tiềm ẩn rủi ro cũng như hạn chế sự cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Oánh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bắc Giang cho rằng: "Theo tôi, việc đóng phí bảo hiểm nên theo mức độ rủi ro của từng tổ chức tín dụng hoặc theo sự phân loại, đánh giá xem tổ chức tín dụng có chất lượng như thế nào để thu phí".

Thời gian qua, đã có hơn 1.600 người tại 38 tổ chức tín dụng đã được chi trả BHTG với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng. Song nếu tính chi tiết thì việc cố định một hạn mức chi trả là 50 triệu đồng như hiện nay không còn phù hợp, vì thế cả người gửi và tổ chức tín dụng coi đó như một mức chi trả tượng trưng chứ không mang tính thị trường.

Điều này đòi hỏi BHTG phải có những thay đổi mới có thể đáp ứng nhu cầu bảo hiểm loại hàng hóa có tính đặc thù này, từ đó mới có thể thu hút người dân gửi tiền vào ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết: "Phân loại mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi làm cơ sở đưa ra các mức phí thay vì mức phí như hiện nay là thực tế rất cần thiết. Điều này giúp người dân yên tâm để gửi tiền".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, áp dụng từng mức phí theo mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng là cần thiết, tuy nhiên để làm việc này cần có sự cân nhắc và có trách nhiệm bảo mật thông tin đánh giá xếp hạng, tránh trường hợp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước