Bốc vác, phụ hồ trở thành thủ khoa xuất sắc

Theo Báo Tuổi trẻ Thủ đô-Thứ năm, ngày 20/08/2015 06:47 GMT+7

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Hà Công Cương trong Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống.

VTV.vn - Để nuôi dưỡng niềm đam mê đối với nghệ thuật, chàng trai dân tộc Tày Hà Công Cương (quê xã Hòa An, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phải làm đủ nghề để có tiền trang trải học hành.

Chuyện chàng trai nghèo...

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống càng thêm khó khăn khi tiền bạc đều dồn cho ba anh chị em Cương đến trường học chữ. Niềm an ủi lớn nhất với bố mẹ Cương là cả ba con đều học rất giỏi. Nhà quá khó khăn, không có tiền cho chị và em đi học nên cả hai đều về Tuyên Quang học trung cấp và cao đẳng, chỉ mình Cương được "ưu ái" xuống tận Hà Nội “dùi mài kinh sử”.

Nhớ lại ngày chuẩn bị hành trang đến trường dự thi, Cương bùi ngùi: "Lúc ấy, nhà tôi chẳng còn một đồng tiền lẻ, cũng không thể đi vay mượn vì đã nợ nần quá nhiều. Nhìn quanh trong nhà, thấy còn duy nhất một đàn chó và hai bao thóc để ăn trong những ngày giáp hạt, mẹ tôi gọi người đến bán để lấy tiền cho tôi làm lộ phí đi thi".

Cầm vài trăm nghìn đồng trong túi, chàng trai quê một mình bắt xe xuống thành phố dự thi với bao trăn trở, lo toan. Ngay năm đó (2011), Cương thi đỗ khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, ngành Nhạc cụ dân tộc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

"Xác định phải tự lập nên ngay khi hoàn thành thủ tục nhập học, tôi đã đi tìm việc làm để có tiền trang trải cho chi phí học tập và sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố", Cương kể.

Chẳng chê bất cứ công việc gì, từ bưng bê, phục vụ trong quán ăn, quán cafe đến bảo vệ, trông xe, Cương đều vui vẻ làm. "Đôi khi, nhìn bạn bè xung quanh có cuộc sống đầy đủ, nghe các bạn kể chuyện đi chơi chỗ này, chỗ kia, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng. Nghĩ đến bố mẹ, chị và em ở quê vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, tôi lại tự động viên bản thân phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa", Cương tâm sự.

Suốt 4 năm đại học, Cương chỉ có vài ngày Tết để sum vầy bên gia đình. Khoảng thời gian còn lại, cậu dành cho việc đi học và làm thêm. Mùa nào, việc nấy, ngày Tết, Cương làm công việc bốc vác theo các chuyến xe chở hàng Tết hoặc bán hàng. Mùa hè cũng vừa lúc ở quê vào vụ mía, Cương đi bốc mía thuê hoặc xin làm phụ hồ cho các công trường xây dựng. 

Công việc làm thêm chiếm khá nhiều quỹ thời gian nên ngoài những giờ học trên giảng đường, Cương dành thời gian tự học là chủ yếu. Vì ngành học đặc thù nên chuyện học của chàng thủ khoa cũng vô cùng thú vị. "Tôi có thể học được ở bất cứ đâu. Ngay cả khi đi bốc hàng thuê, bên người tôi cũng luôn giắt sẵn cây sáo để tranh thủ luyện tập", Cương kể.

Quả ngọt và những ước mơ

Học nhạc cụ dân tộc, hay luyện kèn Sona (người ta thường gọi là kèn đám ma) nên Cương có không ít chuyện dở khóc dở cười. "Có thời điểm, tôi phải chuyển nhà trọ đến 2 - 3 lần một tháng vì những giờ tự học ở nhà với loại kèn này. Sau này, tôi thường "trốn" ra bờ sông Tô Lịch để tự học một mình vì ở đó ít người qua lại, không làm ảnh hưởng đến ai", Cương chia sẻ.

Chăm chỉ, cần mẫn, kết thúc 4 năm đại học, chàng trai dân tộc Tày cũng kịp sưu tầm cho mình bảng thành tích đáng ngưỡng mộ: Đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2011 - 2015; huy chương Bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống tại Huế năm 2012; huy chương Bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Đà Lạt năm 2015. 

Năm 2015, Cương tốt nghiệp với số điểm 9,52, vinh dự được tuyên dương là một trong 98 gương mặt thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về ước mơ và những dự định trong tương lai, Cương chia sẻ: "Sẽ có những khó khăn nhưng tôi tự nhủ luôn cố gắng để biến những ước mơ và dự định trong tương lai trở thành hiện thực. Tôi sẽ cố gắng hết mình để phát huy đúng sở trường và năng lực của bản thân, đóng góp sức mình cho xã hội".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước