Cảm động chiến sĩ công an năm 20 tuổi xả thân cứu người

Theo ANTĐ-Chủ nhật, ngày 17/11/2013 12:55 GMT+7

Anh Phạm Văn Nhuận

 Từ một chiến sĩ công an với tuổi 20 phơi phới, tràn đầy hoài bão, hy vọng, anh đã trở thành người tàn phế, mất đi cả hai chân với thương tật 81% vì cứu một người phụ nữ đang mang thai trên đường ray. Đã 33 năm qua đi là 33 năm anh phải sống chung với những cơn đau hành hạ, 33 năm đi lại bằng chân giả với muôn vàn khó khăn, khổ cực.

Chuyến tàu định mệnh

Chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Nhuận vào một buổi sáng đầu đông. Anh đang phụ giúp vợ bán hàng bún cá. Anh thập thễnh bước đi bằng chân giả nhưng anh vẫn cố gắng bưng bê, dọn bàn để những mong đỡ đi phần nào vất vả của người vợ bao năm tảo tần sớm tối.

Đến nay, đã 33 năm qua đi nhưng người chiến sĩ công an ấy vẫn nhớ như in ngày 25/9/1980 định mệnh ấy: “Tôi không muốn nhắc lại nỗi đau này đâu. Nhiều người hỏi vì sao tôi bị cụt 2 chân tôi đều bảo bị tai nạn. Với tôi đó là nỗi đau mà tôi cố quên đi, không muốn nhớ đến. Ngày ấy tôi đang là công an tuần tra ở ga Đông Anh, Hà Nội. Lúc đó có hai con tàu chạy ở hai đường ray song song nhau. Tàu gần chạy tới nơi mà một chị phụ nữ vẫn đi trên đường ray. Mọi người hai bên đường hốt hoảng hét lên: có tàu đang tới kìa, Nhưng có lẽ chị phụ nữ nghĩ rằng mọi người nói về chiếc tàu ở đường ray bên cạnh nên vẫn điềm nhiên bước đi. Tiếng còi tàu hú inh ỏi nhưng chị vẫn ở giữa đường ray.

Nhìn thấy cảnh đó, tôi không kịp suy nghĩ gì hết, vội lao vào giật chị ra khỏi đường ray. Sau khi kéo chị ra khỏi đường ray, thì đoàn tàu lao tới, đẩy tôi ngã ra. Trong tích tắc, chân phải của tôi bị nghiền nát, máu tuôn ra xối xả, chân trái thì vẫn còn. Tôi cảm nhận được từng ống xương gẫy vụn, đau đớn khủng khiếp. Tôi bị kéo lê đi 125 mét thì đoàn tàu dừng lại.

Lúc này chân phải của tôi vẫn kẹt trong bánh xe của tàu hỏa. Tôi lấy chân trái dùng hết sức đạp vào bánh xe để kéo chân phải ra. Nhưng không ngờ đoàn tàu lại lùi lại. Thế là chân trái của tôi bị nghiền nát tiếp. Đau đớn tột cùng. Tôi liền cởi áo bịt lại vết thương. Đúng lúc đó thì có anh Huy cùng đơn vị và người dân đến kéo tôi ra khỏi đường ray. Tôi thấy khát và khó thở kinh khủng.

Tôi bảo anh Huy có lẽ tôi không sống được mất. Tôi chỉ kịp hỏi anh Huy là người phụ nữ đó có bị làm sao không? Mọi người bảo chị ấy không bị làm sao cả, rồi cũng lịm đi. Mấy tháng sau tôi biết tin người phụ nữ đó đã sinh con trai. Lúc đó tôi mới biết rằng khi tôi cứu chị ấy đang mang bầu, vô tình tôi đã cứu được 2 mạng người. Ngay sau đó mọi người đưa tôi vào Bệnh viện Đông Anh sơ cứu rồi chuyển đi Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ cũng không có cách nào khác là phải cưa cả hai chân của tôi".

Sau khi ra viện, anh trở lại đơn vị nhưng không thể tiếp tục làm công việc của một công an tuần tra như trước nữa. Cơ quan chuyển anh sang làm thủ kho. Tuy nhiên với thương tật 81%, anh không còn đủ sức khỏe nên đã chuyển sang ngạch thương binh vào năm 1992. Mới ngoài 30 tuổi mà anh phải suốt ngày quanh quẩn trong bốn bức tường, không làm được việc gì cả. Chưa bao giờ anh thấm thía được cảm giác bất lực, thiếu thốn vì hai chân không còn lành lặn. Không còn làm việc, không còn cống hiến, bản thân anh thấy vô cùng tuyệt vọng.

Huy chương Vàng Paragame

Đã là người chiến sĩ thì không cho phép mình đầu hàng số phận. Dù tuyệt vọng nhưng anh luôn nghĩ rằng mình không thể là một phế nhân, mình phải làm một cái gì đó. Anh nhớ lại những môn thể thao, những bài võ mà anh từng tập luyện khi còn trẻ.

Giờ không có chân thì mình dùng những bộ phận còn lại. Anh nhớ có câu nói: Đừng đòi hỏi những gì tốt nhất mà hãy dùng tốt nhất những gì mình có. Nghĩ thế nên anh lao vào tập luyện. Trước mắt là có việc gì đó để làm, sau đó là có được sức khỏe tốt, tinh thần tốt. Song khi bắt đầu vào những động tác đó anh mới thấy không hề đơn giản vì đôi chân không còn, sức khỏe lại yếu đi rất nhiều so với thời còn trẻ.

Nhưng anh không nản chí. Đọc báo anh thấy có nơi đào tạo những vận động viên thể thao khuyết tật, anh liền tìm đến. Anh chơi rất nhiều môn thể thao như điền kinh, xe lăn, cầu lông, bơi lội. Những ngày đầu luyện tập vô cùng gian khổ, có cả mồ hôi, nước mắt và máu đã rơi trên sàn tập nhưng anh vẫn muốn chứng tỏ mình là người có ích. Qua nhiều năm miệt mài tập luyện và thi đấu, với sự cổ vũ, động viên của gia đình, bạn bè và huấn luyện viên, anh đã dành được thành công đầu tiên là HCV môn cầu lông Asean Paragame lần thứ 13 tổ chức tại Thái Lan năm 2012.

Mái ấm hạnh phúc

Ông Trời không lấy đi của ai tất cả. Với anh Nhuận dù mất đi đôi chân nhưng bù lại anh lại có một gia đình hạnh phúc với người vợ đảm đang, tháo vát và những đứa con ngoan, hiếu thảo. Nhiều năm nay, với tiền trợ cấp thương tật của anh không thể đủ trang trải cho cả gia đình nên vợ anh phải xoay đủ nghề kiếm sống. Trước đây chị phải dậy sớm đi lấy rau về bán nhưng đến nay chị đã mở được hàng ăn. Một mình chị tảo tần hôm sớm chăm lo chồng và hai đứa con. Chị nói vui rằng: Tôi vừa là mẹ, vừa là bố, vừa là bà chủ, vừa là người giúp việc. Trước đây khổ lắm nhưng giờ đỡ nhiều rồi. 10 phần khổ giờ chỉ còn 1 phần.

Nhớ lại những ngày tháng nên duyên vợ chồng, anh Nhuận không tránh khỏi xúc động: May mắn cho tôi là có được một người vợ hết lòng thương chồng, thương con. Ngày ấy, tôi lên Sơn Tây làm chân giả thì gặp vợ tôi lúc đó là sinh viên đến thăm người thân. Người ta nói Nắng Sơn Tây, mưa Ba Vì, thời tiết khắc nghiệt. Cô sinh viên đó cứ đến là thường xách nước nấu cơm cho tôi. Tình yêu nảy nở từ đó.

Tôi biết khi lấy tôi vợ tôi phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng may mắn tôi được gia đình nhà vợ thông cảm. Bố vợ tôi cũng là thương binh nên hai ông bà chấp nhận cho chúng tôi làm đám cưới. Chị chuyển về công tác tại Công an huyện Đông Anh.

Năm 1985, chị sinh con gái đầu lòng, anh chị vui mừng khôn xiết nhưng cũng bắt đầu những tháng ngày đầy vất vả. Hàng đêm anh thường lên cơn đau. Nhất là lúc trái gió trở trời. Chị thường xuyên phải cõng anh mỗi khi đi vệ sinh cá nhân. Mọi vất vả lo toan đều một mình chị phải gánh vác. “Nhìn vợ vất vả, tôi vô cùng đau xót nhưng cũng không biết phải làm thế nào” - anh tâm sự. Mấy năm sau, phần vì sinh thêm đứa con trai mà không có người trông nom, phần vì kinh tế gia đình quá khó khăn, chị đã xin nghỉ về hưu non bươn bả kiếm tiền nuôi con.

May mắn là hai người con thấu hiểu những vất vả khó khăn của bố mẹ nên luôn tự nhủ phải cố gắng học giỏi, không để bố mẹ phải phiền lòng. Đối với anh Nhuận, đây là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, không đầu hàng số phận của anh chị

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước