Cô bé mồ côi quanh năm chỉ học dưới ánh nến

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 13/01/2013 12:00 GMT+7

Dù học dưới ánh nến nhưng năm nào Trà My cũng đạt học sinh giỏi.

 Trong bóng chiều chập choạng, hình ảnh hai bà cháu ngả ngiêng liêu xiêu bước đi. Cuộc mưu sinh của hai bà cháu lại bắt đầu bằng những chiếc ve chai, đồ phế liệu may mắn nhặt được...

Tôi đến thăm căn nhà nằm chênh vênh bên bờ sông của hai bà cháu Lê Thị Thoa, khối 1, ngõ 71, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa vào một buổi chiều. Căn nhà ọp ẹp, tối bưng, ẩm thấp, thứ duy nhất tôi thấy trong căn nhà của hai bà cháu chỉ là cơ man những quần áo cũ và đồ phế liệu. Ấy thế mà đó lại được xem là thứ “tài sản” có giá trị nhất, vì những thứ đó nuôi sống hai bà cháu qua những tháng ngày gian khó.

Bà Thoa năm nay đã gần 70 tuổi. Người đàn bà với nhiều cay đắng trong cuộc đời. Dù trải qua 3 đời chồng nhưng người chết, người bỏ đi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà sống cùng đứa cháu nội Bùi Thị Trà My năm nay 10 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, Trà My lại cùng bà đi nhặt phế liệu về bán. Hình ảnh hai bà cháu, một mái đầu bạc, một mái đầu xanh dắt díu nhau bao năm qua không còn lạ gì đối với bà con ở đây. Dù nắng hay mưa, dù mùa đông lạnh cắt da hay dưới cái nắng hè oi ả, người ta vẫn thấy hai bà cháu mưu sinh bằng những chiếc vỏ chai, những đồ phế liệu.

Theo lời kể của bà Thoa thì mẹ của Trà My mất vì căn bệnh ung thư khi em mới chưa tròn 2 tuổi, trong đầu óc non nớt của em “mẹ chỉ nằm trong cái rương đó khi nào em ngoan rồi mẹ sẽ ra với em”. Cho đến những năm sau khi em dần lớn em mới hiểu rằng ngày nào cũng ngoan, nghe lời bà và học rất giỏi thì mẹ cũng sẽ không thể quay về với em được nữa.

Mẹ mất đã là nỗi mất mát lớn, tưởng rằng người bố sẽ là chỗ dựa tinh thần cho em nhưng 3 năm sau ngày mẹ mất thì bố cũng qua đời. Những ngày đầu đưa Trà My về nuôi, bà Thoa phải bế cháu đi ăn xin khắp nơi. Lớn một chút, bà để Trà My ở nhà một mình rồi bà đi nhặt rác kiếm tiền. Đứa cháu nội của bà Thoa lớn lên bằng tình thương, sự đùm bọc của bà và sẻ chia của những người hàng xóm.

Tuổi thơ của đứa bé tội nghiệp này là những ngày chờ bà trong tiếng khóc khản giọng và đói lả, trong những ngày rong ruổi cùng bà nội khắp những con đường, ngõ hẻm nhặt những chiếc ve chai, phế liệu để bán lấy tiền mua gạo và mua sách vở, đồ dùng học tập. Có những hôm không kiếm được đồng nào, bữa cơm của hai bà cháu lại trông chờ ở sự hảo tâm của hàng xóm. Cứ thế, bữa đói, bữa no hai bà cháu bước qua những ngày khốn khổ.

Những ngày này, căn bệnh khớp khiến bà Thoa không còn đi lại được nhiều. Mỗi ngày, hai bà cháu cũng chỉ được 5 - 6 nghìn tiền nhặt ve chai. Số tiền đó bà Thoa dành dụm một ít mua gạo, một ít cho cháu mua sách vở, đồ dùng học tập. Hôm nào được bà con ở gần cho cơm hay ít thức ăn thì hai bà cháu lại không phải dùng đến số tiền kiếm được từ những chiếc ve chai.

Vì không có tiền trả tiền điện, hơn nữa cái bóng điện lại bị cháy nên đã lâu trong căn nhà của hai bà cháu Trà My không còn ánh sáng của điện mà thay vào đó là ánh nến. Mấy lần bà Thoa cũng định mua bóng điện về lắp cho cháu học bài nhưng Trà My bảo “cháu học bằng nến được, nhà mình không có tiền nên bà đừng lắp điện nữa” nên bà Thoa cứ lần lữa mãi cho đến bây giờ.

Dù mới chỉ học lớp 4, đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng Trà My đã sớm phải lao động kiếm tiền, em có thể tự nấu cơm những khi bà nội không ở nhà, tự tay giặt quần áo. Từ khi nào, em đã biết cách sống tự lập cho bản thân mình. Một ngày của em bắt đầu bằng việc dậy sớm ôn bài rồi đạp xe đến trường đi học, trưa về tự nấu cơm và chiều lại cùng bà đi nhặt ve chai. Một ngày của em kết thúc sau những bài tập trong ánh nến leo lét.

Nói về đứa cháu nội của mình, đôi mắt bà Thoa rơm rớm nước mắt. Người bà tưởng như đã cạn kiệt nước mắt sau những đắng cay của cuộc đời thì nay lại được dịp thổn thức. Đôi tay gầy guộc đan vào nhau run run, bà nghẹn ngào: “Cháu nó sống thiếu tình thương của bố mẹ từ nhỏ. Tôi cũng cố bù đắp cho cháu nhưng tôi nghèo quá nên cũng chẳng làm gì được. Tôi già rồi, cũng không biết sống được bao lâu, dù bây giờ có nghèo đói nhưng bà cháu có nhau chứ tôi chết rồi không biết cháu sẽ ra sao”. Nói đến đó, bà đưa tay quệt nước mắt, những giọt nước mắt tủi phận mình và thương đứa cháu nội cứ thi nhau lăn trên khuôn mặt khắc khổ.

Có lẽ vì hiểu được thân phận của mình, và vì thương bà nội nên Trà My rất chăm học, 3 năm liền, em đều đạt học sinh giỏi. Không những thế Trà My còn nằm trong danh sách tham gia cuộc thi giải toán qua mạng. Khi được hỏi rằng “Đi nhặt rác cháu có ngại bẩn không” thì cháu trả lời “Cháu không thấy bẩn vì những thứ đó nên bà nội mới nuôi cháu được đến ngày hôm nay”.

Còn nói về ước mơ của mình, cô bé 10 tuổi ngây thơ trả lời rằng: “Cháu chỉ thích được làm cô giáo thôi, cháu sẽ dạy và yêu thương những học trò có hoàn cảnh giống như cháu”. Nói đến đó, Trà My ngập ngừng “Nếu bà nội già, bà nội chết thì không ai nuôi cháu trở thành cô giáo rồi”. Cô bé bắt đầu cảm nhận được nỗi sợ hãi và nỗi đau của thân phận mình khi không còn cha, không còn mẹ. Nghe những lời nói ngây thơ của một đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi có ai không thấy nghẹn lòng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước