Đắng lòng nhìn cảnh vợ nhốt chồng vào... lồng sắt

Dân trí-Thứ hai, ngày 13/01/2014 14:00 GMT+7

Chồng bị tâm thần, mỗi khi lên cơn lại đánh đập vợ con. Không còn cách nào khác, người vợ đành phải nhốt chồng mình vào chiếc lồng sắt. Hơn 10 năm qua, cuộc sống của người chồng chỉ quanh quẩn trong chiếc lồng sắt rộng hơn 2m vuông này...

Chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào buổi chiều Đông. Căn nhà chị Huyên nằm ở cuối xóm im ắng khi mọi người trong nhà đều đi vắng, chỉ có một người đàn ông ăn mặc xộc xệch, râu tóc rối bù đang nằm co ro trong chiếc lồng sắt rộng chừng 2m vuông đặt ở góc nhà.

Nghe tiếng có người vào, người đàn ông này ngồi dậy nhưng cũng chẳng thèm quan tâm đó là ai. Anh chỉ ngoái cổ nhìn với ánh mắt ngây ngô, thẫn thờ. Khi chúng tôi cất tiếng hỏi chuyện, người đàn ông này cũng chẳng đoái hoài, miệng cứ nói lảm nhảm điều gì đó. Dù cố gắng lắng nghe nhưng chúng tôi cũng không hiểu ra được anh nói điều gì?.

Qua câu chuyện với một người hàng xóm, chúng tôi mới biết, người đàn ông bị nhốt trong chiếc lồng sắt kia chính là anh Trình Văn Lởi, năm nay đã 43 tuổi - chồng chị Huyên. Anh Lởi bị bệnh tâm thần nên hay đánh đập vợ con, nhiều lần cầm dao đòi giết vợ, đánh cả mẹ đẻ ra mình…Vì gia đình nghèo không có tiền đưa đi bệnh viện chữa trị nên vợ anh đành phải làm chiếc lồng sắt rồi nhốt anh vào trong đó.

Căn nhà mà chị Huyên cùng chồng, hai con và người mẹ già hơn 80 tuổi ở ngày càng xập xệ hơn. Nhưng nó là chỗ che nắng che mưa cho cả năm người. Khi chúng tôi đang mải trò chuyện cùng người hàng xóm thì bà Nhợi đi đâu về. Bà Nhợi bảo: “Các chú tìm con Huyên à, nó đi lên Ngân hàng trên huyện từ khi sáng tới giờ chưa về. Còn hai đứa nhỏ nay được nghỉ học, chúng nó đang chơi đâu đây gần nhà. Tý nữa thì nó sẽ về”.

‘ Hơn 10 năm qua anh Lởi phải sống trong chiếc lồng sắt để ở góc nhà.

Trong câu chuyện với cụ bà hơn 80 tuổi có nước da đen, khuôn mặt đầy nếp nhăn, toát lên nỗi khắc khổ, chúng tôi mới dần thấu hiểu hết được những khổ đau và sự cực nhọc mà bà đang phải gánh chịu. Gần hết cuộc đời nhưng chưa ngày nào bà được ăn ngon ngủ yên khi hạnh phúc gia đình không trọn vẹn.

Khi trò chuyện với chúng tôi, có lúc bà đã khóc, những giọt nước mắt đục ngầu rớt ra từ trên kẽ mắt sâu hoắm của bà, chảy ra thấm vào những vết nhăn. Qua câu chuyện, cuộc đời của bà dần hiện ra với bao đắng cay và mất mát. Chồng, những đứa con đã bỏ bà mà đi, giờ đây chỉ còn lại đứa con trai “không ra người” này ở với bà. Những ngày cuối cuộc đời bà vẫn phải chứng kiến cảnh người con trai duy nhất còn lại suốt ngày ngồi trong lòng sắt.

Người mẹ già nhớ lại: “Ngày còn nhỏ cho tới khi lớn lên tuổi thanh niên thì nó (anh Lởi - PV) hoàn toàn bình thường. Gia đình tôi vốn đông con nên nó sớm phải lao động vất vả, đi làm thuê đủ nghề, rồi buôn trái cây…Năm 1989 thì nó đi bộ đội trong miền Nam, đến năm 1991 thì về. Lúc này, gia đình tôi thấy tính nết nó có nhiều thay đổi không bình thường. Cứ thấy con nói luyên thuyên, suốt ngày lang thang ngoài đường. Gia đình cứ nghĩ nó thanh niên chưa vợ nên thế. Nhưng tới khi lấy vợ rồi, nó vẫn không hề thay đổi. Đưa đi khám mới biết nó bị bệnh tâm thần”.

Chị Huyên vốn là người phụ nữ chịu thương chịu khó, đến tuổi lập gia đình, bố mẹ chị cũng mong sao cuộc đời chị có thêm người đàn ông đỡ đần chăm lo như bao người phụ nữ khác. Nhưng hạnh phúc đơn sơ giản dị đó chỉ ở bên người phụ nữ kém may mắn này được thời gian ngắn khi bệnh tình anh Lởi chưa phát nặng. Hai người đã có với nhau được hai đứa con một trai một gái đều xinh xắn và đáng yêu.

Cuộc sống gia đình chị Huyên bắt đầu những tháng ngày đầy nước mắt, đắng cay, buồn tủi. Khi đó bệnh tình anh Lởi bắt đầu phát nặng lên, cứ mỗi khi lên cơn anh lại la hét, đập phá nhà cửa, đánh mẹ già và cầm dao đòi giết vợ con, không ai dám vào can ngăn. Nhà nghèo, không có tiền đưa chồng đi điều trị tại bệnh viện nên chị Huyên đành phải để anh điều trị tại nhà. Cũng chính vì thế mà mọi tai ương từ anh Lởi gây ra luôn đổ lên đầu người vợ hiền, người mẹ già và hai đứa con nhỏ.

Bà Nhợi nhớ lại: “Có hôm thằng Lởi nó lên cơn rồi cầm dao đòi giết con Huyên. Tôi chạy vào can ngăn thì nó cũng không chịu buông tha. Con Huyên cùng hai đứa con phải chạy qua nhà hàng xóm trốn rồi nhờ người đến giúp mới giữ thằng Lởi lại được. Nếu không thì giờ không biết con Huyên và hai đứa con nó phải như thế nào”.

Người phụ nữ nghẹn ngào khi nhắc đến hoàn cảnh của mình: “Khi chưa nhốt anh ấy vào lồng, hàng ngày, tôi và hai con cùng mẹ phải chịu đòn như cơm bữa. Mọi người đều phải cắn răng chịu đựng chứ chẳng còn biết làm cách nào khác. Nhiều hôm, cứ đến bữa ăn anh ấy lại hắt đổ mâm cơm rồi đem nồi cơm đi đổ là chuyện thường”.

Mặc dù đã bị nhốt nhưng có nhiều hôm có ai đến dọn dẹp, cho anh Lởi ăn cơm cũng vẫn bị đánh trả bình thường. Bà Nhởi buồn rầu: “Mới cách đây mấy hôm, tôi cho nó ăn cơm, khi ăn xong thì tôi vào lấy bát đũa ra đi rửa thì nó giấu đi không cho tôi lấy. Khi tôi đưa tay vào lấy, chưa kịp rút tay ra thì nó đã tát vào mặt tôi một cái rất đau. Cả đời tôi phải chăm lo cho nó rồi, giờ đến cuối đời mà vẫn phải chăm sóc nó, mà nó còn tát tôi. Những rồi cũng vì thương con mà không giận lâu được. Cũng vì số phận bắt nó phải thế, chứ nó có lỗi gì đâu”.

Chồng bị bệnh, hàng ngày mình chị Huyên phải lo làm việc để duy trì cuộc sống gia đình. Chưa làm xong công việc đồng áng, chị lại phải lo về băm rau, thái chuối cho lợn… gia đình năm người chỉ chông chờ vài hơn hai sào ruộng. Dù chồng bị bệnh, nhưng chưa bao giờ chị Huyên nghĩ sẽ từ bỏ chồng, ngược lại chị rất thương chồng và luôn gắng chăm lo cho hai con. Hai con của chị rất chăm ngoan học giỏi.

Dù không giúp được mẹ điều gì lớn, mỗi khi đi học về, hai em Trình Thị Xuân và Trình Trung Thành lại lao vào giúp mẹ quyét dọn nhà cửa, lấy củi chuẩn bị nấu cơm… Biết bố bệnh nặng, hai em phần vì thương bố, phần lại càng thương mẹ nhiều hơn khi phải vất cả ngày kiếm tiền nuôi cả gia đình. “Học xong cấp 3 em sẽ đi làm thuê để giúp mẹ. Em cũng muốn được đi học nhưng nhà không có tiền, mẹ em đã quá vất vả rồi, em không muốn mẹ phải khổ thêm nữa. Em sẽ đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em Xuân ăn học”, Thành tâm sự.

Ông Vũ Huy Đăng - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: “Hoàn cảnh gia đình anh Lởi, chị Huyên thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Anh Lởi bị bệnh tâm thần từ lâu nên mọi công việc trong gia đình đều do chị Huyên gánh vác hết. Gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi một mình chị Huyên phải nuôi bốn miệng ăn trong gia đình. Biết được hoàn cảnh gia đình như vậy nên mỗi khi có quà trong các ngày lễ, Tết chúng tôi đều dành cho gia đình phần trước nhất. Hàng năm, địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi động viện gia đình”.




Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước