Điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 14/12/2014 23:56 GMT+7

Anh Môn tận tình chỉ bảo cho các học viên trong lớp học (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc)

Gần chục năm nay, căn nhà nhỏ của anh Hoàng Văn Môn ở thôn Đồng Quán (Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là mái nhà thứ hai của nhiều trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra trên mảnh đất cằn cỗi và nghèo khó, cuộc đời anh Hoàng Văn Môn càng thêm vất vả với đôi chân không lành lặn. Năm lên 2 tuổi, một trận sốt cao và co giật đã làm liệt bên chân trái của anh. Nhưng với ý chí và nghị lực, anh Môn ý thức được rằng phải cố gắng vượt qua nỗi bất hạnh, vươn lên để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Năm 1977, anh quyết định khăn gói xuống Thủ đô Hà Nội theo học nghề may tại một cơ sở tình thương dành cho người khuyết tật .

Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, anh nhanh chóng trở thành một thợ may lành nghề và được nhận vào một cơ sở sản xuất đồ may mặc trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những ngày tháng làm tại đây, mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng anh tiết kiệm và đã có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Với kiến thức và tay nghề thành thạo, anh được tin tưởng mời về dạy nghề cho các em khuyết tật ở Trung tâm Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Năm 2002, sau gần 20 năm là thầy giáo đã nhen nhóm trong anh ý tưởng trở về địa phương để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, éo le nơi quê nghèo. Anh Môn tâm sự, bản thân là một người khuyết tật nên hơn ai hết anh hiểu được niềm khát khao hòa nhập cộng đồng, được làm việc và trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở dạy may cho người khuyết tật còn quá ít, lại tập trung chủ yếu tại các thành phố, người khuyết tật ít có cơ hội để tiếp cận.

Từ những suy nghĩ đó, anh Môn bàn với vợ, dành một phần không gian ngôi nhà nhỏ của mình sửa sang lại và mở lớp dạy nghề cho những em bị khuyết tật trong xã. Thế rồi, anh bỏ tiền túi ra mua nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc để các học viên học tập và thực hành.

Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở, máy móc cho lớp học, anh Môn cùng vợ đến từng gia đình có người khuyết tật để vận động, thuyết phục cho các em được đi học nghề. Ban đầu, nhiều gia đình còn ngần ngại, lo lắng, nhưng anh Môn đã lấy chính bản thân mình ra để minh chứng với mọi người rằng người khuyết tật vẫn có khả năng làm việc, cống hiến cho xã hội và có được cuộc sống như người bình thường.

Tiếng lành đồn xa, từ lúc chỉ có 2-3 học sinh khuyết tật trong xã đến học, giờ lớp dạy nghề của anh đã có tới 12 cháu từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh đến xin học. Điều đặc biệt ở cơ sở dạy nghề của anh Môn là các học viên ở đây không phải đóng bất cứ một khoản phí nào trong quá trình học nghề, kể cả dụng cụ cắt may, vải, chỉ… Không những thế, đối với những em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, anh Môn còn tạo điều kiện cho các em ở lại, sinh hoạt cùng với gia đình anh.

Anh Môn tâm sự: “Dạy người bình thường đã khó, dạy người khuyết tật càng khó hơn. Mỗi em khuyết tật có một khả năng tiếp thu khác nhau nên với từng em phải có những cách dạy khác nhau. Các em ở đây dù tiếp thu chậm, nhưng rất cần cù, chịu khó học hỏi. Ai cũng mong muốn làm được điều gì đó mà xã hội ghi nhận”.

Từ những con người tự ti, mặc cảm, khi đến với cơ sở may tình thương xã Yên Dương, những mảnh đời khuyết tật ấy thêm vững tin và hy vọng vào một tương lai khác. Chị Nguyễn Thị Liêm, sinh năm 1984 (thôn Đồng Mới, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, chị bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng của chất độc da cam từ bố, mọi sinh hoạt gắn liền với chiếc xe lăn. Từ bé chị chưa từng một lần ra khỏi nhà, nhiều lần chị từng nghĩ quẩn rằng mình chết đi cho gia đình đỡ gánh nặng. Từ khi được thầy Môn đưa về lớp học, chỉ dạy các kiến thức may, được tiếp xúc với các bạn có cùng hoàn cảnh, chị thấy có niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Sau 6 tháng miệt mài, cần mẫn học nghề, đến nay chị đã may thành thạo và có thể tự mở cơ sở may.

Cùng hoàn cảnh với chị Liêm còn có chị Nguyễn Thị Định, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mất sớm, bản thân chị bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố nên trí não không được nhanh nhẹn. Những lúc bình thường, Định rất chăm chỉ và khéo léo, nhưng khi lên cơn thì Định đập phá, rồi bỏ đi lang thang khắp nơi. Những lúc như thế, anh Môn lại tận tình đi tìm chị về, chăm sóc, dỗ dành chị như chính con đẻ của mình để chị hết cơn bệnh, trở lại học nghề bình thường.

Từ lớp học tình thương này, nhiều học trò của anh Môn đã thành nghề và có chỗ đứng trong xã hội. Nhiều em sau khi học xong đã vào làm tại các công ty may với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều em còn mở được cơ sở may tại nhà, tạo việc làm cho các đối tượng cùng cảnh ngộ. “Vợ chồng tôi chỉ mong sao có đủ sức để giúp được nhiều người khuyết tật, để họ có cuộc sống đỡ vất vả và không thấy mình là người thừa của xã hội”, anh Môn tâm sự.

Cơ sở dạy nghề tình thương Yên Dương của anh Hoàng Văn Môn đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh. Ở đó, họ được cảm thông, chia sẻ, có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống và luôn đầy ắp tình thương của người thầy luôn tận tâm, nỗ lực hết mình vì những mảnh đời kém may mắn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước