Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 25/06/2015 10:29 GMT+7

VTV.vn - Thông qua dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật", nhiều người kém may mắn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có một cuộc sống ổn định.

Dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ được triển khai tại hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam từ tháng 4/2014. Đến nay, Dự án đã mang lại nhiều kết quả ý nghĩa góp phần giúp người khuyết tật có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, xóa dần những mặc cảm tự ti để hòa nhập cộng đồng.

Sinh ra với số phận kém may mắn so với các bạn cùng trang lứa, chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Đức Hòa, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm bị dị tật ở chân do ảnh hưởng của chất độc da cam khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình lại nghèo, không có điều kiện để chữa trị nên chị Vân luôn cảm thấy tự ti về bản thân. Năm 2014, thông qua dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật", Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam giúp chị Vân được phẫu thuật chân miễn phí. Đến nay, chị Vân đã đi lại bình thường và tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, chị còn được tham gia lớp học thêu ren và có việc làm với thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng... Quan trọng hơn là chị đã xóa dần mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Chị Vân cho biết, với chị việc được Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ phẫu thuật chân là một điều kỳ diệu. Điều đó đã biến ước mơ được đi trên đôi chân của chị trở thành hiện thực, giúp chị không còn là gánh nặng cho gia đình. Mẹ chị Vân, bà Lê Thị Kết cũng chia sẻ: "Từ lúc sinh ra, đôi chân của Vân đã không bình thường. Mỗi lần thấy con ngồi xem chúng bạn nô đùa tôi đau xót lắm nhưng chẳng biết làm sao vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thật may mắn, nhờ có sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha đôi chân của con gái tôi đã được chữa trị lành lặn, lại còn được tạo công ăn việc làm. Gia đình tôi chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn chân thành!"

Cùng với chị Vân, đến nay đã có 90 người khuyết tật của tỉnh Hà Nam được hưởng lợi từ dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết". Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam đã lựa chọn, khảo sát địa bàn, ngành nghề phù hợp với khả năng lao động của người khuyết tật, trên cơ sở đó hội đã tổ chức 5 lớp dạy nghề cho người khuyết tật; trong đó, có 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp thêu ren và 1 lớp làm nón lá. Những nghề được lựa chọn đều là nghề truyền thống của địa phương nơi mà người khuyết tật đang sinh sống. Điều này không chỉ giúp địa phương duy trì được nghề truyền thống mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Mỗi khóa dạy nghề cho người khuyết tật diễn ra trong thời gian 7 tháng, trong quá trình học các học viên được hỗ trợ nguyên vật liệu thực hành, kiểm tra tay nghề và tạo việc làm với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam Nguyễn Minh Toan cho biết, dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ là một hoạt động mang tính chất bền vững và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người khuyết tật được chữa trị, có việc làm, thu nhập ổn định để họ tự đứng vững trên điều kiện của chính mình. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Hà Nam đề xuất với các nhà tài trợ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật trong tỉnh. Hội phấn đấu đến hết năm 2015, sẽ dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 150 học viên là người khuyết tật trên địa bàn.

Theo thống kê của Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam, hiện toàn tỉnh Hà Nam có gần 18.000 người khuyết tật các loại, không kể những người là thương bệnh binh và nạn nhân chiến tranh khác; trong đó gần 1.200 người đang được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, trên 1.000 hộ gia đình cũng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật. Tuy nhiên, cuộc sống của người khuyết tật cũng như gia đình họ hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để người khuyết tật có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng lao động, vượt qua hoàn cảnh, xóa đi mặc cảm và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước