Mẹ bị ung thư, con trai cũng lay lắt chờ chết vì bệnh suy thận

Theo Dân Trí-Chủ nhật, ngày 08/02/2015 06:00 GMT+7

Cuộc sống của Hùng như rơi vào "vực thẳm" kể từ khi anh phát hiện mình mắc phải căn bệnh suy thận

Từ ngày hai mẹ con mắc bệnh, mọi tài sản trong nhà cứ dần “đội nón ra đi”. Tuy vậy, sau nhiều năm điều trị, căn bệnh suy thận của Hùng đã chuyển sang giai đoạn cuối...

Suốt cuộc trò chuyện, anh Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1989, ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) chỉ biết nuốt những dòng nước mắt nghẹn ngào, lẫn sự cay đắng vào tận sâu trong lòng. Dường như, sau những tháng ngày chịu sự hành hạ của bệnh tật, anh cảm thấy mình như bất lực hoàn toàn trước cuộc sống.

Cho đến bây giờ, Hùng vẫn chưa thể tin được rằng bệnh tật có thể đánh gục anh và đưa anh đến gần hơn với “vực thẳm” một cách nhanh chóng đến như thế. Từ một chàng trai khỏe mạnh, với bao ước vọng còn dang dở bỗng nhiên tất cả sụp đổ trong nháy mắt kể từ khi các bác sĩ cho biết bản thân bị căn bệnh suy thận mãn tính.

Gạt đi dòng nước mắt khi nghĩ đến số phận bất hạnh của cuộc đời mình, Hùng nói trong đau đớn: “Em nghĩ rằng, bệnh của mình nếu được chạy thận thường xuyên cũng không hy vọng kéo dài được bao lâu. Chỉ lo cho cha mẹ đã già yếu, mẹ cũng đang mang bệnh mấy năm nay. Có lẽ cũng vì quá thương con nên bà mới chịu đựng sự đau đớn, gắng gượng làm lụng để kiếm tiền trang trải viện phí cho em. Mỗi lần chạy thận như vậy cũng mất hết vài triệu đồng. Dù bản thân không muốn cha, mẹ khổ thêm nhưng em cũng chẳng biết làm gì hơn được nữa”.

Sinh ra trong gia đình kinh tế khó khăn, cha mẹ Hùng là ông Nguyễn Thanh Châu và bà Lê Thị Soa phải cật lực làm thuê, làm mướn đủ mọi nghề: từ làm thợ hồ, bốc vác, đến việc nhặt nhạnh từng miếng vỏ chai, mớ rau đem bán…mới có thể trang trải được cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học.

Sau mấy năm trời vất vả, những tưởng các con lớn khôn, đi làm thì ông bà cũng đỡ khổ hơn. Nào ngờ, vì những tháng ngày lao động cực nhọc nên bà Soa cũng ngã bệnh. Đời sống cứ thế ngày càng lâm vào cảnh túng quẫn, thiếu trước hụt sau và dường như không còn lối thoát. Cũng bởi vì bao nhiêu tiền bạc bấy lâu ông, bà chắt chiu bán từng mớ rau, con gà để dành dụm lại cũng đổ dồn vào việc chạy chữa căn bệnh ung thư vú cho bà. Có những lúc, không thể xoay xở được ở đâu, ông bà cũng bấm bụng bán non đàn lợn mới đẻ để có tiền thuốc thang, chi phí phẫu thuật.

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho cha mẹ, sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 2007, Hùng liền xin vào làm công nhân ở trong miền Nam. Được một thời gian, anh trở về quê rồi đi học nấu ăn tại một trường dạy nghề trên địa bàn. Trong quá trình làm việc tại khách sạn MeKong, thành phố Đông Hà, Hùng mới nhận ra sức khỏe của mình có nhiều dấu hiệu bất thường. Sau nhiều lần bị ngất xỉu ngay tại chỗ làm, kèm thêm các dấu hiệu phù nề trên cơ thể, mọi người khuyên anh đi khám và cay đắng phát hiện mình bị hội chứng thận hư. Tiếp đó, anh đi khắp các bệnh viện tại Quảng Trị, vào Huế, nơi đâu các bác sĩ cũng chẩn đoán bệnh tương tự.

Lúc phát hiện bệnh, tinh thần Hùng bị suy sụp hoàn toàn. Nghĩ đến cảnh tượng bản thân đang ở bên “bờ vực thẳm”, ranh giới giữa sự sống và cái chết, khiến anh không còn tâm trí để tiếp tục công việc. Do thời gian điều trị lâu ngày nên Hùng phải xin nghỉ việc, dù bản thân rất muốn lao động kiếm tiền đỡ đần cho gia đình.

Trên thân mình anh hiện giờ chi chít các vết thương, dấu tích của những lần mổ trước đó. Các ống dẫn truyền dịch trong những lần chạy thận cũng lộ rõ trên cánh tay, càng cho thấy bệnh tình đã tiến triển quá nặng. Sau hàng chục lần chạy thận, truyền dịch, sức khỏe Hùng bị suy kiệt, da mặt cũng trở nên xanh tái, nhợt nhạt.

Dẫu bản thân đang quằn quại trước căn bệnh hiểm nghèo, chưa biết sống chết khi nào nhưng Hùng vẫn canh cánh trong lòng một nỗi lo lắng về bệnh tật của mẹ. Dù đã qua phẫu thuật nhưng sức khỏe của bà vẫn rất yếu, không thể làm được những công việc nặng nhọc.

Nắm chặt lấy bàn tay khô gầy của con trai, bà Soa nói trong nấc nghẹn: “Lúc sinh con ra thấy con cũng khỏe mạnh, nhưng bây giờ lại ra nông nỗi này làm lòng tôi đau lắm. Hàng đêm tôi không tài nào chợp mắt nổi khi nghĩ đến những lời tâm sự của con. Từ ngày bị bệnh đến nay nó chỉ sống khép kín, người cứ thẫn thờ như đứa mất hồn. Những lúc hai mẹ con ở bên nhau, Hùng cứ hay nghĩ quẩn rồi thủ thỉ: Không biết bệnh tình của con có thể cầm cự được bao lâu nữa. Con chỉ thương cha mẹ đã già yếu. Con chưa kịp làm nên được việc gì để đền đáp công ơn nuôi dưỡng thì đã mắc phải bệnh tật. Dẫu mai này con có chết trước thì cha mẹ cũng đừng quá bận tâm về con mà tổn hại sức khỏe. Hãy cứ sống lạc quan… mẹ nhé”.

Nói đến đây, giọng bà Soa cứ liên tục bị ngắt quãng. Chúng tôi thấu hiểu trong sâu thẳm suy nghĩ của bà cũng đang bị dằn vặt ghê gớm. Bà thương cho số phận hẩm hiu của con trai nhưng luôn cố gắng kìm nén vào sâu trong lòng để con bà không phải buồn tủi mà yên tâm dưỡng bệnh. Bất lực vì không có tiền chạy chữa bệnh tật cho con, tấm lòng cao quý nhất của người mẹ đối với con trai đang từng ngày giành giật, đấu tranh giữa sự sống và cái chết lúc này chỉ là sự chăm sóc ân cần. Bà lo lắng cho con từng miếng cháo, giọt nước, giấc ngủ…lẫn sự chịu đựng lớn lao, dẫu trong lòng bà như có từng vết cứa đau thắt.

Mỗi tháng, Hùng phải chạy thận từ 2-3 lần, kinh phí điều trị đã vượt quá sức chịu đựng của gia đình bà. “Giờ mẹ biết làm răng (sao) để giúp con đây. Chỉ biết ngửa mặt cầu mong ông trời lấy đi sự đau đớn trong con mà thôi. Hoặc nếu có thể thì san nỗi đau ấy sang cho mẹ. Dù sao tuổi mẹ cũng đã cao, chỉ mong các con được khỏe mạnh để có thể tiếp tục với cuộc sống”. Nghe lời khẩn cầu của bà Soa mà lòng tôi cảm thấy nhói đau.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

 

 

 

Từ khóa:

Ung thư vú

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước