Người “thắp lửa yêu thương” đối mặt với ung thư di căn

Hoàng Thùy (vnexpress.net)-Chủ nhật, ngày 20/01/2013 08:00 GMT+7

Khánh Thương có đôi mắt biết nói, nụ cười rạng rỡ và một trái tim luôn cháy ngọn lửa yêu thương.

 Sáng lập ra nhóm từ thiện 'Vòng tay yêu thương', Khánh Thương đã khơi nguồn, thắp lửa cho nhiều chiến dịch yêu thương lan tỏa. Thế nhưng số phận lại đùa cợt để cô đối mặt với ung thư di căn trước ngày tổ chức lễ cưới.

Bạn bè, người quen hay gọi Nguyễn Thị Khánh Thương là "người thắp lửa". Bản thân cô cũng luôn nhắc nhở phải giữ tình yêu thương như ngọn lửa vĩnh cửu trong trái tim. Với triết lý con người ta đều xa lạ trước khi thương mến nhau, cái ôm ấm áp sẽ gắn kết mọi người, Thương sáng lập nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" (Free Hugs Group - FHG).

Chiến dịch đầu tiên "Yêu thương trong những vòng tay" của FHG được tổ chức cuối năm 2006 tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Bạch Mai, khu phố đi bộ trung tâm và ga Hà Nội. "Ngoài quà tặng cho học sinh khuyết tật, bệnh nhân, chúng tôi đã đem đến những cái ôm ấm áp mang ý nghĩa như người bạn lâu ngày gặp nhau, đứa con đã lâu chưa gặp bố hay cái ôm chia sẻ tình thương giữa người với người", Khánh Thương từng nói như vậy.

Sau thành công của chiến dịch "Yêu thương trong những vòng tay", cô gái quê Thạch Thất (Hà Nội) ấy tiếp tục thực hiện chương trình "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"...

Chương trình "Trao cho em ngày mai" được thực hiện năm 2008 như một món quà đón Tết sớm dành tặng các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc hai bệnh viện K và Viện Nhi Trung ương, động viên các em trong thời gian điều trị dài ngày tại bệnh viện. Khi mọi người háo hức chuẩn bị đón Tết thì Khánh Thương cùng bạn bè kêu gọi tài trợ, mua quà tổ chức "Giao thừa yêu thương" cho trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Trong chiến dịch "Công trình hy vọng", Thương cho rằng hiện nay, điện thoại di động, thư điện tử và một số thiết bị công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho nhu cầu chia sẻ thông tin và liên hệ của con người. Song ở rất nhiều nơi trên đất nước vẫn còn nhiều người không biết đến Internet, điện thoại. Thế nên FHG thành lập câu lạc bộ viết thư tay để chia sẻ kinh nghiệm học tập, kiến thức, lời yêu thương hay động viên những người thiếu may mắn.

"Vật chất không biết bao nhiêu cho đủ, và cái thiếu nhất của những số phận ở trung tâm bảo trợ xã hội là tình yêu thương của cộng đồng. Mỗi người tình nguyện là người đỡ đầu tinh thần cho một số phận neo đơn, một trẻ khuyết tật, thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên họ - đó mới chính là món quà ý nghĩa nhất", Khánh Thương nói.

Nhận học bổng sang Australia học thạc sĩ, Khánh Thương vẫn theo sát các hoạt động của nhóm FHG. Cô tham gia góp ý cho chương trình, thăm hỏi, hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV ở Bắc Ninh, ủng hộ các thành viên mở chiến dịch "Một giờ làm người khiếm thị" để đồng cảm và có biện pháp hỗ trợ những người không nhìn thấy mặt trời.

Trở về nước làm giảng viên khoa báo chí của ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Khánh Thương đem kiến thức, cách dạy mới mẻ vào áp dụng. Ngay việc điểm danh, cô cũng gây hứng thú cho sinh viên với mỗi buổi một câu hỏi, yêu cầu học trò không được trả lời giống nhau.

"Các câu hỏi rất đơn giản như 'Hôm nay em đến trường bằng gì' hay 'Nếu có một tỷ đồng em sẽ làm gì', nhưng với yêu cầu không được trả lời trùng nhau khiến các em được thoải mái tư duy và hứng thú đi vào bài học mới", Khánh Thương nói.

Nhắc về cô giáo mình, Đỗ Hạnh Dung, sinh viên Báo chí K57 chia sẻ: "Lần đầu tiên gặp cô là khi em đi làm thủ tục thi đại học. Nhìn thẻ dự thi của em cô đã nói 'Hẹn gặp em ở trường đại học nhé! Cố lên'. Câu nói đó đã giúp em tự tin hơn rất nhiều để làm tốt cả ba môn và đỗ vào trường", Dung nói.

Giữa tháng 9/2012, bạn bè, học trò vui mừng chúc phúc cho Khánh Thương khi nhìn thấy cô cười rạng rỡ trong lễ ăn hỏi. Chú rể là người Australia cô quen và yêu khi du học tại đây. Hai người dự định tổ chức đám cưới tại Hội An vào tháng 1/2013. Thế nhưng, sau lễ ăn hỏi một ngày, Thương nhận tin sét đánh - cô bị ung thư vú giai đoạn 3.

Không suy sụp, Thương vẫn đến lớp với nụ cười tươi tắn, chỉ có đôi mắt đượm buồn. Ngày cuối cùng trước khi sang Australia để cắt bỏ khối u, Thương vẫn đến trường, dặn dò sinh viên. Cô nói "phải đến lớp để bàn giao công việc, và để đỡ nhớ sinh viên".

Hy vọng về sự sống của cô giảng viên đầy tâm huyết, người truyền lửa yêu thương vừa lóe lên lại vội vàng lụi tắt. Ca phẫu thuật thành công, tuy nhiên, các bác sĩ lại phát hiện tế bào ung thư đã di căn vào xương, Thương không còn cơ hội được cứu sống. Các phác đồ điều trị đưa ra chỉ có thể duy trì sức khỏe cô trong một thời gian nhất định. "Chị sẽ phải đi tiếp con đường của mình thôi dù không biết dài ngắn và sẽ đi đến đâu", Thương viết.

Thành viên FHG, bạn bè, người thân chết lặng khi hay tin ấy. Trên facebook của cô giáo trẻ ngập tràn những lời động viên, thăm hỏi. Nguyễn Thùy Dương (CĐ Truyền hình) viết: "Chỉ học cô có mấy buổi thôi nhưng em rất ấn tượng với cách dạy, sự trẻ trung, dí dỏm của cô. Hôm cô chia sẻ hình ảnh ăn hỏi, em thấy vui lắm. Không ngờ cô lại gặp phải tai ương. Cô ơi hãy cố gắng vượt qua gia đoạn này nhé".

Sinh viên Lê Huyền Thương cũng bày tỏ: "Cô là người em vô cùng kính yêu. Dù chỉ được học với cô hai buổi nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá bởi em đã được học thêm không chỉ kiến thức mà cả nghị lực và bản lĩnh. Cô là người mạnh mẽ, em tin cô sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Em luôn cầu chúc mọi điều tốt lành nhất đến với cô".

Đối mặt với ung thư đã di căn vào xương, Khánh Thương viết trên trang cá nhân của mình lời của Steve Jobs: "Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống".

Khánh Thương đang vững vàng đối mặt với bệnh tật. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của cô đều thể hiện khát khao sống đến cháy bỏng. Bởi vì dự án doanh nghiệp xã hội hướng tới cộng đồng của Thương còn đang dang dở, bởi cô còn muốn truyền thụ hết những kiến thức của mình cho sinh viên, bởi vì cô đang chuẩn bị cho đám cưới với người yêu thương.

Chồng sắp cưới của Thương đang dồn mọi nguồn lực để chữa bệnh cho cô. Nhưng do chưa chính thức là vợ chồng nên Thương không được hưởng một chế độ ưu đãi hay bảo hiểm nào tại đây. Tế bào ung thư đã di căn vào xương nên Thương không thể xạ trị, chỉ có thể tiêm thuốc trực tiếp vào cơ thể. Thế nhưng chỉ hai mũi tiêm hàng tháng cũng đã tốn đến 3.000 USD, chưa kể chi phí thuốc men và chăm sóc.

"Hãy giữ lại ngọn lửa ấy bên đời" - thành viên nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương - FHG" đang truyền đi thông điệp ấy. Nhóm bạn trẻ hy vọng cộng đồng sẽ cùng chung tay để Khánh Thương được sống, để người luôn thắp lửa yêu thương còn lại với đời.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước