Nhà sư “nặng lòng” với tre trúc Việt Nam

Quỳnh Anh-Thứ hai, ngày 27/05/2013 07:17 GMT+7

 Vườn bảo tồn tre trúc Việt Nam Sơn Trà Tịnh Viên tại khu vực Suối Đá, phường Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng là thành quả sau gần 10 năm nhà sư Thích Thế Tường gây dựng và phát triển.

Trong vườn bảo tồn tre trúc Việt Nam của nhà sư Thích Thế Tường có đến hơn 100 loài tre trúc. Theo ông, đây chỉ mới là một nửa trong tổng số hơn 230 loài tre trúc Việt Nam. Để có được một nửa loài tre trúc này, ông đã bỏ ra 10 năm ròng khai phá hơn 1ha đất trong bán đảo Sơn Trà, rồi cất công đi khắp cả nước sưu tầm giống các loài tre trúc về trồng, chăm sóc. Không ngại khó khăn gian khổ, ông cứ kiên trì đi đến những vùng xa xôi, hiểm trở để tìm cho ra các loài tre hiếm mang về bảo tồn giống.

‘ Thầy Tường đang cho cá trong hồ sen ăn, sau lưng là rừng tre bạt ngàn do thầy trồng. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Ngày ngày, cuốn sách Tre trúc Việt Nam của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã trở thành cẩm nang cho nhà sư Thích Thế Tường tìm hiểu về tre trúc. Đọc sách, ông biết ở địa phương nào có loài tre gì, các loại tre hiếm hiện có mặt ở đâu. Biết rồi sau đó ông lại cất công đi tìm về lưu giữ tại vườn bảo tồn của mình.

Nhà sư Thích Thế Tường, chia sẻ: “Tôi muốn qua vườn tre trúc của mình để người dân biết thêm về lợi ích của cây tre. Nếu mọi người biết dùng và chịu khó nghiên cứu, học hỏi thì lợi ích của cây tre mang lại không thua gì keo, bạc hà để làm giàu cho đất nước, xóa đói giảm nghèo”.

Hiện nay, ngoài khu bảo tồn tre trúc ở thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Dương, vườn tre trúc của nhà sư Thích Thế Tường là khu bảo tồn tre trúc duy nhất ở miền Trung. Đây là nơi mà bất cứ ai trong cộng đồng đều có thể đến tìm hiểu, nghiên cứu hoặc chỉ là để thỏa mãn niềm say mê loại cây thân thuộc gắn liền với hình ảnh nông thôn Việt nam.

Sinh viên Lê Thị Thoa nói: “Em không nghĩ là ở Việt Nam có một bảo tàng tre trúc đa dạng như thế. Khi đến đây em đã biết những loài tre nào có cá thế tồn tại nhiều, loài nào ít và từ đó sẽ có ý thức hơn để bảo tồn giống tre trúc đó”.

Mơ ước của nhà sư Thích Thế Tường không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn nhiều loài tre quí hiếm của Việt Nam, mà là cây tre sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều trong cuộc sống ở nước ta.

Nếu hiểu nhập thế là người tu hành hòa nhập với cuộc sống, lấy đó làm phương tiện hóa độ chúng sinh thì nhà sư Thích Thế Tường đã thực hiện đúng con đường “gắn kết đạo đời”, lợi lạc quần sanh theo giáo lý Đạo Phật.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước