Nhiều bệnh nhi vẫn mòn mỏi chờ mổ tim...

Thanh Tâm-Thứ tư, ngày 16/01/2013 16:54 GMT+7

Chưa có nhiều nơi chữa bệnh tim cho trẻ (Ảnh: tinnong.vn)

Do số bệnh viện có chuyên môn chữa trị ít, nên hàng ngàn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở khu vực phía Nam phải chờ rất lâu mới được mổ tim.

Mỗi năm tại Việt Nam có 8.000 - 10.000 trẻ em sinh ra sống bị bệnh tim bẩm sinh. Trong đó có 50% trẻ bị tim bẩm sinh rất nặng, phát hiện ngay trong thời gian sơ sinh. Số trẻ em này rất cần được điều trị can thiệp, phẫu thuật ngay trong vòng hai tuần hoặc một tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, hiện nay ở TP.HCM số bệnh viện có chuyên môn chữa trị ít, nên hàng ngàn trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phải chờ rất lâu thậm chí một đến 2 năm mới được mổ tim.

“Bây giờ còn gọi mổ gì nữa, chờ lâu quá, con tôi chết rồi!”, đó là những lời trách móc mà các bác sĩ tim mạch thường gặp khi liên hệ với người nhà bệnh nhi để đưa trẻ đi mổ.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện có gần 2.000 bệnh nhi đang chờ mổ tim. Để được mổ, trẻ phải chờ ít nhất một năm, do hằng tuần bệnh viện phải tiếp nhận 4 - 5 trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh phải mổ cấp cứu gấp. Hiện tại số lượng các bác sĩ phẫu thuật tim sơ sinh cho trẻ của bệnh viện còn ít, và bệnh viện cũng chỉ có một phòng mổ tim, mỗi ngày mổ được hai ca.

PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM, cho biết: “Ở TP.HCM, bệnh nhi phải chờ để được mổ tim quá nhiều vì các bệnh viện phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân ở các tỉnh phía nam về điều trị. Có nhiều trường hợp bệnh nhân chờ lâu quá, dẫn đến tình trạng bệnh nặng lên đã tử vong”.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có 100 giường bệnh cho khoa tim mạch, nhưng nhiều lúc có tới 150 - 200 trẻ bệnh nặng nằm điều trị nội trú. Trong đó, chưa kể số trẻ chưa đến lượt mổ, gia đình đã phải đưa trẻ về nhà để tránh các bệnh nhiễm trùng từ bệnh viện.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Phần lớn trẻ mắc bệnh đang nằm tại khoa đều dưới 12 tháng tuổi và 3/4 trường hợp buộc phải mổ tim hở. Tuy nhiên, mỗi ngày bệnh viện chỉ mổ được cho một hoặc hai ca. Nguyên nhân do thiếu bác sĩ mổ, bác sĩ gây mê và cả giường hồi sức sau phẫu thuật”.

Đối với trẻ mổ tim, chi phí để thực hiện ca mổ không còn là rào cản lớn vì phần lớn trẻ nhập viện đều dưới một tuổi nên được bảo hiểm y tế thanh toán hoặc được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Khó khăn trước mắt là thiếu bác sĩ có khả năng mổ tim hở.

Tại Hội nghị tim mạch nhi quốc tế lần 2 vừa được tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này cũng đã giới thiệu thêm phương pháp mới phẫu thuật ít xâm lấn để điều trị dị tật tim cho trẻ. Phương pháp này sẽ thay thế một số trường hợp phải mổ hở, góp phần giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.

TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội, cho biết: “Phương pháp mới có thể thực hiện tốt ở Việt Nam. Đó là phương pháp ít xâm lấn có thể điều trị dứt điểm một số bệnh lý tim mạch nhi, thời gian phẫu thuật nhanh, thời gian hồi phục cũng nhanh và rất tốt”.

Hiện tại 3 trung tâm có thể điều trị tim mạch bẩm sinh tại TPHCM là: Viện tim, bệnh viện nhi đồng 1, và bệnh viện nhi đồng 2 đã có nhiều sự tiến bộ trong điều trị. Tuy nhiên, việc phải giải quyết hầu hết các trường bệnh nhi mắc bệnh của khu vực phía nam là một thách thức lớn cho các bác sĩ. Đặc biệt, số bệnh nhi tim bẩm sinh tồn động hàng năm vẫn còn tính trên con số ngàn người. Chính những lí do đó cho thấy rằng, việc triển khai thêm nhiều phương pháp điều trị là rất cần thiết.

Tuy nhiên, về lâu về dài theo các chuyên gia y tế vấn đề tầm soát trước sinh, tiến hành siêu âm tim thai, để phát hiện sớm các bệnh lý phức tạp là cách tốt nhất để hạn chế bớt số trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh như hiện nay.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước