Nhói lòng người đàn bà... sợ Tết

Dân trí-Thứ bảy, ngày 18/01/2014 16:00 GMT+7

Nhập viện trong tình trạng cấp cứu do suy thận độ 4, nhưng bệnh nhân lại không có bất cứ thông tin nào từ phía gia đình. “Tết này tôi sẽ ở đâu?”, cô nói với nỗi lo lắng phải ra ngủ đường, nằm chợ những ngày sắp tới.

Không được người nhà chăm sóc như các bệnh nhân khác, cô Nguyễn Kim Liên hết xoay người bên này rồi lại nhìn sang bên kia với ánh mắt buồn đến tội nghiệp. Vừa được phẫu thuật làm shunt động tĩnh mạch ở cổ tay trái nên còn đau nhiều khiến khuôn mặt cô lúc nào cũng nhăn lại, có lúc không chịu được cô ngồi khóc một mình y như một đứa trẻ. Cả phòng bệnh ai cũng thương cô thân một mình không có người thân thích nên thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhưng chẳng ai trả lời được câu hỏi của cô: “Tết này tôi sẽ ở đâu?”.

Trao đổi với bác sĩ Vũ Trung Trực – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) được biết: “Bệnh nhân nhập viện từ ngày 4/12 do phát hiện bị xuất huyết tiêu hóa, loét hành tá tràng và suy thận độ 4. Bệnh nhân ban đầu được cấp cứu trong bệnh viện Bạch Mai rồi mới chuyển qua bệnh viện Thanh Nhàn để điều trị. Trong hồ sơ bệnh án ban đầu có ghi: bệnh nhân tên Nguyễn Kim Liên, 49 tuổi địa chỉ ở số 5 – Bùi Ngọc Dương, tuy nhiên phía bệnh viện đã liên lạc về phường để xác minh thì công an cho biết không có ai như cô Liên ở địa chỉ trên”.

‘ Bị suy thận độ 4 khiến sức khỏe của cô Liên giảm sút đáng kể.

Tiếp xúc với bệnh nhân, cô vẫn nói mình tên Nguyễn Kim Liên, 49 tuổi, còn địa chỉ, quê quán thì lúc nhớ là số 5 – Bùi Ngọc Dương, lúc lại lắc đầu nói “không nhớ” nên tính đến nay đã hơn 1 tháng mà thông tin về gia đình hoàn toàn vẫn là con số 0. Căn bệnh suy thận đã bước vào giai đoạn cuối khiến sức khỏe của cô khá yếu cộng thêm sự thiếu thốn về tình cảm của người thân nên tình trạng càng bi đát.

Về phương pháp chữa trị cho cô Liên, bác sĩ Trực cho biết: “Hiện tại cô được lọc máu chu kì 3 lần/ tuần để cứu tính mạng. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất khiến chúng tôi suy nghĩ đó là làm cách nào để tìm được gia đình cho cô. Ở bệnh viện các bác sĩ và y tá cũng đã cố gắng gần gũi và nói chuyện nhiều để cô đỡ tủi thân nhưng mỗi khi đi qua phòng, thấy cô cứ trân trân nhìn các bệnh nhân khác có người nhà chăm sóc rồi nước mắt chảy xuống khiến chúng tôi không cầm lòng được. Với một người bình thường, việc thất lạc gia đình đã khổ, với một người bệnh như cô lại càng thiệt thòi và khổ tâm hơn nhiều”.

Biết mọi người đang nói chuyện về mình nên cô Liên ngồi yên lặng, đôi mắt rơm rớm như dán chặt vào bác sĩ như muốn hỏi điều gì đó nhưng lại ngại ngùng nên thôi. Đôi bàn tay nhăn nheo, bên thì được băng bó vì vết mổ, bên lại được băng chặt để giữ kim truyền khiến gương mặt cô cứ nhăn lại vì đau. Cô bảo: “Đau lắm, tối không ngủ được” rồi lại ngậm ngùi cúi mặt xuống yên lặng không nói gì thêm nữa.

Một người nhà bệnh nhân nằm cạnh giường cô Liên cho hay: “Cô lành lắm, ai cho gì cũng cám ơn rồi ngồi ăn. Tuy nhiên cứ thỉnh thoảng đang nói chuyện với chúng tôi, cô lại quay ra hỏi “Sắp đến Tết chưa?” và “Tết này tôi ăn Tết ở đâu?” khiến chúng tôi cũng chẳng biết trả lời sao nữa. Không biết là gia đình cô ở đâu và những người thân của cô có đang đi tìm cô hay không nữa. Hi vọng là họ sớm tìm được nhau để đón cô về nhà chứ thân một mình ở bệnh viện trông tội lắm”.

Hàng ngày nằm trên giường bệnh, cô vẫn dõi ánh mắt nhìn sang mọi người với một câu hỏi mà không biết đến bao giờ mới có câu trả lời. Bệnh tật đã vào giai đoạn cuối, lại không người thân thích, có lẽ cô cũng khao khát lắm một mái ấm cho mình nhưng lại được dấu kín bởi vẻ bề ngoài ngờ nghệch, mơ hồ. Có cô y tá vào bón cơm cho cô và có lẽ như để động viên nên hỏi: “Tết này, mẹ về nhà con ăn Tết nhé”, ngay lập tức ánh mắt cô Liên sáng ngời cùng với đó là câu hỏi vội vã: “Thật không, cho tớ về cùng nhé” khiến ai chứng kiến cũng phải rơm rớm gạt nước mắt.



Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước