Nữ giáo viên gần 20 năm bám trụ ở vùng ven biển Tây

Huỳnh Tâm-Thứ năm, ngày 21/11/2013 07:52 GMT+7

 Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, không ít giáo viên sẵn sàng rời thành thị về công tác ở những vùng sâu, vùng xa chỉ với một ước muốn nhỏ nhoi là mang con chữ đến cho các em.

Những tấm gương thầy cô giáo đã thắp sáng lên niềm tin, tương lai cho biết bao thế hệ học sinh ở các vùng quê tại đồng bằng sông Cửu Long. Câu chuyện về cô giáo hơn 20 năm bám trụ ở vùng ven biển Tây thuộc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã khiến nhiều người có thêm những cảm nhận sâu sắc hơn về tâm quyết cũng như cống hiến đáng trân trọng của người giáo viên.

Rời quê hương Bến Tre, cô giáo Trịnh Ngọc Tuyết về đảm nhận công tác tại xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vào năm 1995. Khi ấy có hơn 40 giáo viên vừa phụ trách dạy cả hai cấp I và II, cộng với tham gia xóa mù chữ cho toàn huyện. Lương thấp, điều kiện sống khó khăn, rất nhiều giáo viên phải chia tay với vùng đất này để tìm nơi khác tốt hơn. Điều thật đáng trân trọng là chỉ duy nhất cô giáo Trịnh Ngọc Tuyết – giáo viên ngoài tỉnh chấp nhận bám trụ lại nơi đây.
Ông Huỳnh Văn Tiền, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện An Minh, Kiên Giang cho biết: “Dù được cấp trên quan tâm đầu tư phát triển về kinh tế xã hội, giáo dục nhưng rất ít giáo viên về với vùng khó khăn như huyện An Minh, Kiên Giang. Những người bám trụ ở đây là những người rất tâm quyết, cụ thể như cô Trịnh Ngọc Tuyết”.

Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ cô giáo Ngọc Tuyết đã vượt qua những thách thức để cùng những đồng nghiệp ở lại xây dựng chương trình giảng dạy cho phù hợp với trình độ dân trí tại địa phương. Các thầy cô đã tăng cường phối hợp các tổ chức, đoàn thể vận động bà con tham gia xóa mù chữ, tích cực đưa trẻ đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ mù chữ và bỏ học giảm đáng kể.

“Là đồng nghiệp, tôi cũng sát cánh cùng với cô Tuyết trong quá trình giảng dạy. Ở cô Tuyết tôi học được rất nhiều điều”, cô giáo Lê Hồng Thắm, giáo viên trường Tiểu học Đông Hòa II, xã Đông Hòa, An Minh cho hay.

Chia sẻ về quá trình giảng dạy tại một địa phương có hoàn cảnh còn khó khăn như xã Đông Hòa, cô giáo Trịnh Ngọc Tuyết cho biết: “Tôi cảm nhận ở các em có điều gì giống với tuổi thơ của mình ở Bến Tre. Chính vì vậy, tôi càng thương các em nhiều hơn, học sinh ở đây phải lặn lội đi học xa xôi trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, trường lớp còn rất đơn sơ. Mặc dù rất khó khăn, nhưng tôi cùng các đồng nghiệp của mình đã và sẽ cố gắng hết mình thúc đẩy ngành giáo dục của địa phương ngày càng phát triển hơn”.

Gần 20 năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cô giáo Trịnh Ngọc Tuyết đạt được khá nhiều thành tích cao quý như: Giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp,…Với những đồng lương ít ỏi có thời điểm chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng người giáo viên này vẫn dành một phần để cưu mang, giúp đỡ các em gặp hoàn cảnh khó khăn được đến lớp, đến trường như bao đứa trẻ khác…

Nếu như năm 1990 tỷ lệ mù chữ của An Minh lên gần 25% dân số, hiện tại số này đã được xóa hoàn toàn. Tỷ lệ phổ cập giáo dục, học sinh tốt nghiệp ở các cấp học liên tục tăng qua các năm từ 1,2 – 4,3 %. Kết quả nói trên phần nào nói lên đóng góp của những người giáo viên đầy tâm quyết như cô giáo Trịnh Ngọc Tuyết. Đó là động lực, là niềm tin góp phần đưa sự nghiệp trồng người ở những vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc hơn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước