"Ở đời không có con đường cùng..."

Văn Hương Khê-Thứ hai, ngày 06/01/2014 16:18 GMT+7

“Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy” là câu châm ngôn mà chị Đinh Thị Tuyết Đào, chủ cơ sở đan len ở phường Tân Hưng (Q7, TP HCM) coi như một quan điểm sống cho riêng mình.

Lên bốn tuổi, cơn sốt bại liệt đã khiến chân trái chị Đào teo dần. Từ đó, việc đi lại của chị phải nhờ vào chiếc nạng hay sự giúp đỡ của người khác. Dù vậy, chị vẫn cố gắng tốt nghiệp THPT. Năm 1996, hạnh phúc đến với chị khi anh, người đàn ông là chồng của chị bây giờ ngỏ lời cầu hôn. “Năm 2006 là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi. Vừa sinh đứa con thứ hai thì mẹ tôi mất, cửa hàng tạp hóa vốn là nơi kiếm kế sinh nhai cũng phải bán đi để trang trải nợ nần. Lúc đó, tôi như đứng giữa nga ba đường”, chị Đào kể.

‘ Dù đôi chân tàn tật, chị Đào vẫn lạc quan tin vào chính mình

Chị Đào bảo hoang mang hay tuyệt vọng mãi cũng không được, lúc ấy, quan trọng là phải tìm lối đi cho mình. Chị nghĩ đến nghề đan len đi bỏ mối cho các cửa hàng. Vì bản thân chị cũng đã ít nhiều biết làm công việc này, nó lại phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, hơn nữa, mẹ chồng chị cũng là người bỏ mối len lâu năm, cũng có quen biết để có thể giúp chị trong những tiếp xúc ban đầu. “Nếu người bình thường lập nghiệp khó một thì người tàn tật như tôi lập nghiệp khó gấp đôi”, chị kể lại.

Lời tâm sự ấy của chị Đào là đúng khi hàng ngày, chị phải nhờ người dắt đi bỏ mối, xin được đặt vấn đề cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng trong thành phố. Nhưng trời không phụ người có tấm lòng, công việc của chị bước đầu trôi chảy. Nhưng dù sao vẫn ở trong quy mô nhỏ vì điều chị thiếu lúc này là vốn.

“Trong một lần họp Hội Phụ nữ phường Tân Hưng, nghe tôi trình bày ý tưởng, các chị ở Hội đã giới thiệu cho tôi vay 20 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo để khởi nghiệp. Có tiền, tôi mua nguyên vật liệu, dụng cụ làm nghề. Hoàn thành sản phẩm, khó khăn lại đến ở khâu chào hàng. Lúc đầu nhiều cửa hàng từ chối vì họ đã có mối. Không nản chí, tôi đi hết chợ này qua chợ khác, từ Xóm Chiếu, Bà Chiểu, Tân Bình, cho đến Bình Tây…; không chỉ bán hàng giá rẻ, tôi còn cam kết: các tiểu thương bán được hàng mới giao tiền nên một vài nơi đồng ý nhận hàng”. Chị Đào tâm niệm, làm nghề này, sự vừa lòng của khách hàng là mục đích lớn nhất của mình. Chính vì vậy mình phải chu đáo, tỉ mỉ trong mỗi sản phẩm. Và một điều nữa là sự đa dạng.

Ngoài áo len, mũ, tất… chị còn tạo ra những chiếc khăn, túi bỏ điện thoại, đồ lưu niệm bằng chất liệu len, tạo được sự thích thú cho người mua. Lúc này, công việc của chị thuận lợi hơn trước, quy mô lúc đã được mở rộng ra. “Khi tìm được lối đi, suy nghĩ đầu tiên là tôi nghĩ tới những người khuyết tật như mình. Tại sao không tạo cho họ một công việc trong điều kiện có thể. Chị em làm ở xưởng cũng được, hoặc mang về nhà cũng được. Thậm chí nếu ai chưa biết kỹ thuật, tôi cũng sẽ dạy nghề miễn phí”.

Chính vì vậy năm 2008, cơ sở đan móc len Phước Đào được thành lập, tạo việc làm cho khoảng 30 chị em, phần lớn đều là người khuyết tật. Với những nỗ lực của mình, năm 2013, chị Đào vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng là phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước