Sáu mảnh đời chông chênh nơi nương tựa

Theo Từ thiện-Thứ sáu, ngày 15/02/2013 09:00 GMT+7

 36 năm nuôi con, lẽ ra đứa con của bà Nguyễn Thị Cầm đã là một người đàn ông trưởng thành. Vậy mà, với bà, nó vẫn là một đứa trẻ mới sinh.

Ngôi nhà của mẹ con bà Nguyễn Thị Cầm nằm khuất trong con ngõ ngoằn ngoèo ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. “Chú bé” Nhu của bà nằm co quắp trên chiếc giường hở những thanh dát thưa. 36 năm nuôi con, lẽ ra Nhu đã là một người đàn ông trưởng thành. Vậy mà, với bà, nó vẫn là một đứa trẻ mới sinh. Mấy chục năm nay “chú bé” của bà chỉ biết đến cái giường và căn phòng không đồ đạc. Bức tường gian ngoài treo đầy ảnh của người đàn ông đã đi suốt cuộc đời, chia sẻ buồn vui, vất vả cùng bà. Hai năm nay, ông để lại mình bà chăm sóc đứa con ngây dại trong nỗi buồn.

Mọi sự suôn sẻ với 3 người con đầu. Nhưng, sự bất hạnh lại đổ lên đứa thứ 4 – Nguyễn Đình Nhu sinh năm 1978. 8 tháng tuổi, Nhu có biểu hiện của một đứa trẻ không bình thường với chân tay co quắp. Những người con lớn thì đã lập gia đình, “kiến giải nhất phận”, họ cũng chỉ sống bám vào đồng ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Ông Nguyễn Đình Vỵ, chồng bà Cầm mang theo những vết thương từ chiến trường trở về phải vật lộn với cuộc sống để nuôi con. Còn bà Cầm hằng ngày phải dậy từ 1 giờ sáng đi hái rau để kịp 4 giờ sáng mang vào nội thành bán. Bán rau xong bà lại trở về tăng gia, trồng trọt. Vừa làm ruộng, về nhà ông Vỵ lại chăm sóc đứa con trên giường. Mọi ăn uống, sinh hoạt của Nhu đều diễn ra ở đó.

Hiện nay nguồn chi tiêu của hai mẹ con chỉ dựa vào 700.000 đồng/tháng trợ cấp của Nhu và tiền tuất của ông Vy. Hằng ngày, bà bón cơm hoặc cháo, bánh mỳ rồi dọn vệ sinh, thay quần áo…cho con. Rồi bà tâm sự: “Tuổi tôi đến cửa chùa rồi mà vẫn phải làm việc như thế cũng khổ lắm. Nhưng biết làm sao được”. Câu nói nặng tiếng thở dài của người đàn bà 70 tuổi.

9h30. Khi mọi người đang hối hả với công việc của mình, anh Nguyễn Xuân Liêm, SN 1958 vẫn ngủ ngon lành dưới nền nhà. Chiếc giường ấm áp là tài sản duy nhất trong phòng thì để trống không. Bà mẹ già giải thích: “Cả đêm qua nó đun nước rồi đổ đi. Sáng ra mới ngủ đấy”. Ngôi nhà đại đoàn kết mà Quỹ người nghèo huyện Thanh Trì và xã Thanh Liệt làm cho mẹ con bà Vũ Thị Đĩnh chỉ chưa đầy 20m2 mà sao vẫn trống trải...

Đã nhiều năm nay anh Liêm được hưởng trợ cấp dành cho người bị mắc bệnh thần kinh 350.000đ/tháng. Đồng chí cán bộ phụ trách thương binh xã hội của xã cho biết, hộ bà Đĩnh thuộc diện nghèo lưu cữu. Anh Liêm là con trai thứ 3 của bà. Chồng bà là thương binh, mất năm 1995. Hai đứa con lớn của bà cũng rất nghèo. Cô con dâu thì mắc bệnh ung thư nặng. Vậy nên các con không thể giúp gì cho mẹ và em.

Từ ngày đi bộ đội trở về, anh Liêm trở nên không bình thường. Tấm lưng của người đàn ông khỏe mạnh bỗng còng gập xuống, làm những việc vô bổ. Cuộc sống của hai mẹ con giờ chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của người thân, bà con chòm xóm và các đoàn thể địa phương.

Ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì hiện vẫn còn những hoàn cảnh rất khó khăn, vất vả. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết mắc bệnh thần kinh ở với chị gái không có chồng; chị Nguyễn Thị Khánh bị thần kinh từ nhỏ đang được anh trai cưu mang; ông Nguyễn Văn Minh, cụ Nguyễn Thị Bích bị liệt. Mỗi trường hợp đều có một bất hạnh khác nhau nhưng có chung sự vất vả, khó khăn và cần sự chia sẻ của cộng đồng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước