"Tôi mất một con trai rồi, xin trời đừng cướp nốt đứa còn lại!"

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 08/06/2016 06:57 GMT+7

Di chứng khối u não chèn ép dây thần kinh khiến một bên cơ thể của Tuấn đã bắt đầu bị liệt.

VTV.vn - Sau cái chết của người con trai cả, rồi biến cố đến với người con trai thứ, vợ chồng chị Huyên lâm vào khánh kiệt.

Sau mấy tháng điều trị, phẫu thuật lấy khối u não, Trần Văn Tuấn (SN 2000, trú tại xóm 3, xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc, Nghệ An) được về nhà ít hôm để chuẩn bị bước vào giai đoạn xạ trị. Nhìn đứa con trai gầy rộc, một nửa cơ thể đã bắt đầu khó cử động do di chứng của khối u chèn ép dây thần kinh, chị Nguyễn Thị Huyên (SN 1977) xót xa cứ khóc suốt. Đang nuôi con nhỏ nên mấy tháng qua chị Huyên phải ở nhà. Việc chăm sóc Tuấn ở bệnh viện nhờ cả vào chồng và người mẹ già hơn 70 tuổi của mình.

Nước mắt rơi lã chã, chị kể, chồng chị ở rể, không có đất cày cấy nên sau khi sinh được 2 đứa con trai Trần Văn Ngọc (SN 1998) và Trần Văn Tuấn thì cả hai quyết định gửi con cho bà ngoại, vào miền Nam làm thuê. Tích góp cả chục năm trời mới dám xây căn nhà mái bằng, mất 5 năm trời nhà mới xây xong. Cứ nghĩ có nhà cửa rồi, chỉ làm lụng nuôi con ăn học nữa là ổn, ai ngờ…

Tháng 6/2012, Trần Văn Ngọc kêu đau đầu và mất khi đưa đến bệnh viện chưa được bao lâu. “Bác sỹ bảo nó bị tổn thương não”, chị Huyên khóc nấc lên. Sau cái chết của Ngọc, anh chị quyết định sinh thêm một đứa con nữa cho Tuấn có anh có em. Đứa con gái út mới hơn 1 tuổi thì Tuấn lại mắc bệnh.

“Hồi tháng 9 năm ngoái, tay chân Tuấn xuất hiện những mảng màu thâm tím. Chị nghĩ là con chơi đá bóng, va chạm nên mới thế. Sau thấy Tuấn kêu mỏi tay chân bên trái, khó cử động, hoảng quá chị đưa con đi viện. Qua mấy viện, họ kết luận nó có khối u ở não. Chị không dám tin, anh nó chết vì bệnh não, giờ nó lại…”, chị Huyên khóc nghẹn.

Nhà có gần 2 sào ruộng, đất đang ở nhờ nhà ngoại nên cũng chưa có sổ đỏ mà cầm cố. Hai vợ chồng vay nóng tiền đưa con đi viện. Sau gần 1 năm điều trị, Trần Văn Tuấn được phẫu thuật, cắt bỏ khối u trong não. “Khi bác sỹ thông báo ca mổ thành công tui như trút được gánh nặng trong lòng bấy lâu nay. Nhưng rồi họ bảo, phải chuyển cháu sang Bệnh viện Ung bướu để xạ trị. Nó mới hơn 15 tuổi đầu thôi…”, bà Nguyễn Thị Vân, bà ngoại của Tuấn rầu rĩ.

Bà Vân cùng anh Trần Văn Thắng (bố của Tuấn) đưa Tuấn về nhà đợi ngày ra Hà Nội xạ trị theo lịch. Tranh thủ mấy ngày nghỉ, anh Thắng ra đồng gặt lúa. Hơn 2 sào, được mấy tạ nhưng có lẽ chẳng mang được hạt lúa nào về nhà.

“Nợ từ hồi đưa Ngọc đi viện trả được 1 ít, đang còn gần 100 triệu thì Tuấn lại đi viện. Nợ cũ, nợ mới phải lên đến hơn 200 triệu rồi. Lúa gặt xong, cũng chẳng cần phải phơi phóng chi cả mà bán luôn để lấy tiền đưa Tuấn đi xạ trị. Mà bán cả từng ấy lúa cũng chỉ được dăm triệu, phải mượn thêm sổ đỏ của anh em cầm cố ngân hàng. Hai đứa con trai, giờ chỉ còn thằng Tuấn, anh chị biết mần răng mà cứu con đây?”, chị Huyên hỏi rồi lẳng lặng lại giường, xoa bóp tay chân cho con.

Cánh tay trái, chân trái của Tuấn đã teo dần lại, cử động khó khăn. Có hôm bà ngoại về có việc gia đình, bố đi lấy thuốc, Tuấn tự đi vệ sinh rồi ngã bầm dập cả người, mọi người chẳng dám để tự làm gì. Nằm trên giường, khuôn mặt Tuấn buồn rười rượi. Từ hồi ngã bệnh Tuấn cũng phải nghỉ học. Giờ bạn bè đã vào kỳ nghỉ hè…

“Nhà chị Huyên thì khổ rồi, sinh được hai đứa con trai thì đứa chết, đứa mắc bệnh nặng, làm cha làm mẹ rứa chịu chi nổi. Hàng xóm láng giềng thương thằng Tuấn nhưng cũng biết làm chi được. Thương thì người giúp đôi ba chục, một trăm chi đó, chạy qua chạy lại thăm hỏi thôi chứ cũng không biết làm chi hơn”, chị Nguyễn Thị Vị, hàng xóm chị Huyên thở dài.

Về hoàn cảnh của gia đình chị Huyên, bà Phạm Thị Long – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nghi Công Nam cho biết: “Hoàn cảnh anh Thắng, chị Huyền thì đặc biệt khó khăn. Hai vợ chồng cũng siêng năng, cần mẫn nhưng khổ về đường con cái. Sau cái chết của cháu Ngọc thì lâm vào khánh kiệt, giờ lại đến lượt cháu Tuấn mắc trọng bệnh.

Chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ cũng hết sức quan tâm, vận động người dân trong xã và con em của xã đi làm ăn xa quyên góp được gần 15 triệu giúp đỡ cháu chữa bệnh nhưng từng đó so với chi phí chữa trị của Tuấn cũng chỉ như muối bỏ bể thôi. Vừa rồi Hội Chữ thập đỏ xã cũng có công văn gửi Hội Chữ thập đỏ huyện Nghi Lộc xem xét, hỗ trợ cho cháu để tiếp tục chạy chữa”.

Ngước đôi mắt rất đẹp và thông minh nhìn ra mảnh sân nắng chói chang, Tuấn bảo: “Em giờ chỉ mong khỏe lại, đi học tiếp. Hoc xong cấp 3 thì đi kiếm việc làm phụ bố mẹ. Bố mẹ em khổ nhiều quá rồi”. Nhưng đến bao giờ Tuấn mới được đi học lại. Bao giờ em có thể tự kiếm việc làm dành tiền phụ giúp bố mẹ khi mà giờ đây, ngay cả tiền đi chữa bệnh cho em bố mẹ cũng chưa biết vay mượn ở đâu.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước