"Treo ảnh Đại tướng để lúc nào cũng nhìn thấy Người”

TTXVN-Thứ hai, ngày 14/10/2013 07:42 GMT+7

 Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Đại tướng tài ba của dân tộc đã để lại sự hụt hẫng, tiếc thương trong hàng triệu trái tim người con Việt Nam.

Sáng 13/10, theo dõi Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sóng Đài truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Đính, ở thành phố Phú Lý (Hà Nam), người từng vinh dự được gặp Đại tướng đã không kìm được xúc động.

Tháng 10/1981, ông Đính vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm Hợp tác xã cơ khí Quyết Tiến, nơi ông Đính làm Phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật. Khi ấy, hợp tác xã Quyết Tiến là nơi đầu tiên sản xuất ra bình phun thuốc trừ sâu, góp phần rất lớn bảo vệ hoa màu, tăng năng suất cây trồng, được cả nước biết đến. Là người quan tâm đến phát triển khoa học và sản xuất, Đại tướng đã về thăm và động viên khích lệ cán bộ xã viên hợp tác xã.

‘ Ông Nguyễn Ngọc Đính trân trọng treo những bức ảnh ông chụp chung với Đại tướng lên vị trí trang trọng trong nhà. (Ảnh: TTXVN)

“Là người lính từng tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, tôi vô cùng xúc động khi được gặp trực tiếp vị Tổng Tư lệnh của mình. Dù không còn trong quân ngũ, nhưng những gì Đại tướng căn dặn, tôi vẫn coi đó là mệnh lệnh và quyết tâm thực hiện bằng được”, ông Đính nhớ lại giây phút được gặp Đại tướng.

Vinh dự hơn, ông được Đại tướng hỏi thăm rất nhiều về việc sản xuất bình phun thuốc trừ sâu, được Đại tướng căn dặn phải làm sao để phát triển sản xuất, góp phần đưa đời sống người nông dân đi lên. Bức ảnh mà ông vinh dự được chụp cùng Đại tướng đối với ông là một báu vật. Ông Đính đã phóng to bức ảnh làm hai, trong đó một bức được treo trang trọng ở trong nhà.

“Tôi treo bức ảnh Đại tướng ở vị trí trang trọng trong nhà để lúc nào cũng có thể được nhìn thấy Đại tướng”, ông Đính nghẹn ngào.

Bức ảnh ấy đã theo gia đình ông suốt mấy chục năm qua. Hình ảnh của Đại tướng làm cho ông luôn ấm lòng, vững vàng niềm tin son sắt vào Đảng, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Đại tướng theo đuổi. Các con ông Đính cũng cảm nhận được tình cảm lớn lao và sự kính trọng của ông đối với Đại tướng. Chính điều đó, đã ảnh hưởng lớn đến các con của ông. Tất cả năm người con gái của ông đều nỗ lực học hành, thành đạt trong công việc và cuộc sống.

Nhưng đáng quý nhất, theo ông Đính, các con ông đều có lối sống giản dị, chân tình, hiếu thảo với cha mẹ và luôn chăm lo đến việc học hành của cả bản thân và con cái. Đó cũng chính là ước mong, là sự quan tâm của Đại tướng đến công tác giáo dục khi sinh thời. “Đối với chúng tôi, Đại tướng là một người thân trong gia đình”, ông Đính chia sẻ.

Thật tình cờ như là duyên số, cách đây khoảng 2 năm, vào cuối năm 2011, con gái thứ hai của Đại tướng trong một lần về quê nội Quảng Bình đã ghé qua nghỉ chân và uống nước tại nhà ông, trên đường Trần Phú (Phủ Lý).

Khi nhìn thấy bức ảnh chủ nhà chụp cùng cha mình, con gái Đại tướng đã rất xúc động. Cô gọi ông Đính bằng chú xưng cháu nhưng ông Đính đã nói rằng ông chỉ đáng tuổi là con Đại tướng nên đề nghị cô gọi bằng anh.

“Ngay khi ấy, tôi đã biết Đại tướng cũng yếu rồi. Con gái Đại tướng về quê lần ấy là để dần chuẩn bị việc sau này cho cụ. Thế nhưng, mấy hôm trước, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhận hung tin. Tôi như rời rạc cả chân tay. Tôi chỉ biết ôm lấy bức ảnh Đại tướng mà khóc. Anh Văn ơi…”, ông Đính nức nở, dòng nước mắt người lính già chảy tràn như không dứt.

Ông Đính cho biết, rất muốn lên Hà Nội để mong được vào viếng Đại tướng, song do tuổi già và bị bệnh khớp, ông không thể đi được. Ông đã đến văn phòng của Bộ chỉ huy quân sự thành phố, nơi lập bàn thờ Đại tướng, để thắp nén nhang viếng người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông còn dặn người cháu ngoại của mình đang học Đại học ở Hà Nội cố gắng chụp thật nhiều ảnh về lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp để gửi về cho ông.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước