"Vua rừng" 8x

Văn Quân-Thứ ba, ngày 29/10/2013 11:02 GMT+7

 Mới hơn 20 tuổi nhưng những thành tựu mà Lê Nguyên Hoàng (Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) có được đã làm không ít người thán phục.

Hoàng là chủ nhân của hàng trăm hecta rừng và đặc biệt hơn, "ông chủ" 8x này còn là người đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công mô hình phát triển trang trại sinh thái và chuyên canh cây gỗ quý…

‘ Lê Nguyên Hoàng giới thiệu một loại cây gỗ quý

Đam mê với rừng

Phải đến lần thứ hai trở lại Tiến Xuân, chúng tôi mới gặp được Lê Nguyên Hoàng. Người nhà bảo "ông chủ trẻ" chẳng mấy khi ở nhà, nếu không ngược xuôi lên các vùng núi phía Bắc tìm giống cây và thị trường thì thể nào anh cũng vào núi trồng cây hay nghiên cứu các loại thuốc phòng chống sâu bệnh cho cây.

"May mắn của em, đầu tiên phải kể đến đó là được kế thừa niềm ham mê trồng rừng từ bố. Khi em mới sinh ra, bố em lúc đó đã là người có thâm niên trồng rừng nhiều nhất và lâu nhất ở Thạch Thất. Dù rằng lúc đó, diện tích trồng vẫn còn ít và chưa chuyên canh như bây giờ, ngày đó bố em trồng chủ yếu vì niềm yêu thích chứ không hẳn vì lợi nhuận kinh tế. Hoàng bảo, bây giờ, dù đã có bằng cao đẳng rồi đại học trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng với cậu, những bài học từ thực tiễn, những tháng ngày ăn trong rừng, ngủ trong rừng với bố mới là những dịp thu nạp kiến thức bổ ích và thiết thực nhất. Với nghề trồng rừng, phải gắn bó máu thịt, lắng nghe hơi thở của thiên nhiên rất lâu, đôi khi mới đúc rút ra được một chút kinh nghiệm, có thể chỉ là rất nhỏ.

"Bắt đầu từ năm 1997, khi Nhà nước có chủ trương giao rừng cho người dân, em mới thực sự bước vào con đường "trồng rừng chuyên nghiệp", tức là làm kinh tế trang trại. Nhiều bạn bè em khi đó đã coi em như một "thằng gàn" khi người ta đang muốn thoát khỏi nghề rừng không được mà mình lại "đâm" vào, lại là sự lựa chọn của một thằng con trai chưa đến 20 tuổi (Hoàng sinh năm 1983 - PV)". Vậy là cùng với người bố của mình, ông Lê Văn Bốn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Xuân, Hoàng nhận về 20 ha đất để trồng Phi lao, Keo, Bạch đàn kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Mấy năm sau, việc trồng rừng chưa mang lại hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong xã thấy… nản. Nhân dịp đó, Lê Nguyên Hoàng mạnh dạn đi vay ngân hàng, về mua thêm vài chục hec-ta mà bà con đang muốn bỏ đi về canh tác. Ngồi nói chuyện với tôi, Hoàng bảo, có lẽ cậu chưa có được như ngày hôm nay nếu không có sự… "liều lĩnh" và mạnh dạn của tuổi trẻ. Thời điểm ấy, Hoàng đã đi học cao đẳng ngành Lâm nghiệp rồi, ít nhiều đã có kiến thức và những suy nghĩ… "đột phá".

"Nếu cứ tập trung vào trồng những cây truyền thống như Bạch đàn, Keo… thì thường quá. Lãi cũng sẽ có nhưng… không cao". Hoàng bảo khi suy nghĩ ấy hiện ra trong đầu, cậu quyết tâm chạy vạy đi vay được 400 triệu và đầu tư hết vào trồng 7 ha Lát Mexico, một loại gỗ quý và đắt nhất thời điểm ấy. Cây phát triển tốt cho đến 2 năm thì đồng loạt đổ bệnh và héo hết lá. Không có cách cứu chữa bởi lá héo đồng loạt và trên diện rộng.

‘ "Vua rừng" 8x

Hướng đi mới

Sau đận ấy, mất mấy năm chạy vạy trả nợ, nhưng rồi cái sôi sục của tuổi trẻ lại làm Hoàng phải hành động… khác người. "Năm 2007, em mạnh dạn lấy phần lớn đất rừng của mình để trồng những loại cây gỗ quý như Kim Giao, Sao Đen, Bách xanh, Dổi… vì trước đó, trong một dịp sang Trung Quốc em thấy nước bạn lúc đó rất phát triển mô hình kinh doanh những loại cây này. Nó phù hợp với các đô thị và du lịch sinh thái và Việt Nam tương lai cũng sẽ có một nhu cầu lớn các loại cây này".

Chỉ tay ra từng quả đồi được quy hoạch các loại cây một cách bài bản đang xanh bời bời trong gió, Hoàng bảo, khi quyết định kế hoạch ấy cậu đã phải bỏ ra hàng tháng trời ăn ở trong rừng để nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu và chất đất để làm sao phủ hợp với từng loại cây và tránh được sâu bệnh. Lấy ngắn nuôi dài, trồng xen những cây giống với cây trưởng thành, "ông chủ trẻ" sẽ luôn có những lứa cây giống "gối vụ nhau" và sau vài năm kinh doanh cây giống thì đợt đầu của cây trưởng thành cũng kịp khai thác. Làm một con tính sơ sơ, với hàng trăm hec-ta các loại gỗ quý, giá trị rừng của Hoàng cũng đã lên tới vài chục tỉ. Mải mê và dốc hết cả thời gian tuổi trẻ cho rừng, có thể nói không ngoa rằng, thời điểm này, Lê Nguyên Hoàng là người sở hữu diện tích rừng nhiều nhất, không chỉ riêng Hà Nội mà có lẽ cả toàn miền Bắc, đặc biệt là mô hình trồng cây gỗ quý.

Hiện nay, trang trại của cậu cũng thường xuyên đón các đoàn sinh viên thực tập của ngành Nông - Lâm nghiệp trong nước lẫn các sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu, thực tập. Thậm chí cách đây hơn năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa một đoàn khách gồm 100 nông dân Pháp về đây thăm thú và học hỏi kinh nghiệm trong phát triển Lâm nghiệp.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Hoàng bảo có được một chút gọi là thành công của ngày hôm nay, đầu tiên phải nói đến lòng hăng say với nghề và sự học hỏi. Với cậu, bất kỳ một chuyến đi tham quan nào sang các tỉnh bạn hoặc nước ngoài, cậu đều coi đó như một cơ hội quý báu để đưa hiểu biết của mình lên.

Như dịp năm 2008, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức cho thanh niên tiêu biểu của các tỉnh đi tham quan mô hình trang trại ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc). Trong tổng số 22 thành viên, Hoàng là thành viên trẻ nhất. 12 ngày ở Trung Quốc, Hoàng được tham quan nhiều mô hình trang trại. Và với cậu, ấn tượng nhất ở nước bạn là mô hình trang trại “nông lâm kết hợp”, “nông lâm sinh thái” rất khoa học và hiệu quả. Chính vì vậy mà về Việt Nam, Lê Nguyên Hoàng đã áp dụng ngay mô hình ấy vào trang trại của mình và có lẽ, đến nay đây đang là mô hình duy nhất ở Việt Nam.

Với cơ ngơi và một tương lai đầy hứa hẹn như vậy, nhiều người đã gọi Lê Nguyên Hoàng với cái tên thân mật như "vua rừng", "ông chủ trẻ" hay thậm chí là… anh nông dân tỉ phú. Những lúc ấy, Hoàng chỉ cười và… không phản đối.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước