Xóm chạy thận Ngọc Hồi nhọc nhằn mưu sinh, tự kiếm tiền chữa bệnh

Minh Đức-Thứ năm, ngày 08/10/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Những cư dân của xóm chạy thận Ngọc Hồi, Hà Nội đang chống chọi với bệnh tật nhưng vẫn tự lao động kiếm tiền đỡ đần tiền thuốc men, viện phí cho gia đình.

Chúng tôi đến xóm chạy thận Ngọc Hồi, Hà Nội vào một buổi chiều cuối hè oi ả, xóm nằm khuất lấp, khiêm tốn giữa những căn nhà cao tầng khác. Đi theo con ngõ nhỏ quanh co, gấp khúc cạnh đường ray đối diện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội chừng 30m thì vào tới xóm trọ của những người chạy thận. Vừa bước vào sân, chúng tôi đã được ông Hồng – “trưởng xóm chạy thận” tiếp đón.

Cuộc đời gắn liền với máy lọc thận

Gọi là xóm chạy thận nhưng cũng chỉ là một khu nhà trọ nhỏ, có 4 dãy nhà đã cũ nằm vuông góc với nhau, mỗi dãy ngăn ra thành 2, 3 căn phòng vừa đủ kê giường ngủ và một chiếc tủ nhỏ. Tường của những căn phòng trọ đã mốc meo, cũ kĩ. Ngay cạnh khoảng sân là một mảnh vườn bé được những người ở đây quây lại bằng lưới, trồng một ít rau mầm và cỏ mèo.


Dãy nhà nhỏ, cũ kĩ là nơi che mưa nắng cho nhiều bệnh nhân chạy thận hàng chục năm nay.

Dãy nhà nhỏ, cũ kĩ là nơi che mưa nắng cho nhiều bệnh nhân chạy thận hàng chục năm nay.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hồng kê chiếc bàn nhựa con ra ngoài sân, vừa rót nước mời, ông vừa kể: “Cả xóm trọ này có 15 người đang ở, đến từ nhiều tỉnh lắm. Xóm trọ gần viện Nông nghiệp nên chạy thận ở đây là chủ yếu”. Ông ngồi trầm ngâm một lúc rồi tiếp lời: “Tôi quê ở Hưng Yên, đến nay chạy thận được 12 năm. Mỗi tuần 3 lần chạy thận nên cũng ít khi được về quê, ở đây cố gắng tìm thêm việc làm để có đồng ra đồng vào”.

Ông tâm sự, những năm đầu chạy thận, nghĩ sức mình vẫn còn khỏe nên cũng cố tìm việc để có thêm thu nhập. Ông cùng nhiều người trong xóm đã từng đi làm thợ đánh nhám gỗ nhưng phổi không chịu nổi khói bụi: “Có những lúc chúng tôi đi đánh giấy nhám cho xưởng gỗ rồi. Mà bụi nhiều quá, muốn cố làm mà không được. Nói thật, ít người chết vì bệnh suy thận lắm, mà chết vì bệnh tim, bệnh phổi. Căn bệnh này khiến sức khỏe của những người như chúng tôi yếu hẳn, muốn làm việc nặng một chút để kiếm thêm ít đồng cũng khó”. Rồi ông trầm ngâm, chỉ vào căn phòng trống ở cuối dãy trọ: "Đấy là phòng của con bé Hà, con bé sinh năm 1989, còn trẻ nhưng chạy thận cũng lâu rồi. Tháng trước, Hà mới mất vì bị bệnh phổi. Căn phòng để trống từ khi đấy đến giờ chưa ai vào ở".


Căn phòng trọ nhỏ vừa đủ để kê chiếc giường và ít đồ đạc trong nhà.

Căn phòng trọ nhỏ vừa đủ để kê chiếc giường và ít đồ đạc trong nhà.

Ngồi trò chuyện được một lúc, ông Hồng bảo một người đàn ông còn trẻ đang bước ra sân: "Mẹ đã về chưa? Chú Khương gọi mẹ ra đây ngồi nói chuyện uống nước". Nói xong, ông giới thiệu với chúng tôi, anh Khương năm nay 26 tuổi, đã chạy thận được 4 năm rồi. Trước khi bị bệnh, anh đang làm thợ xây ở Lạng Sơn. Đến một ngày thấy trong người mệt mỏi, anh đi khám mới biết mình bị suy thận. Anh khăn gói về quê, cùng mẹ lên viện Bạch Mai khám lần nữa thì được báo đã bị suy thận cấp độ 3. Giờ hai mẹ con anh đang cùng ở trong xóm trọ, ngày ngày rau cháo nuôi nhau. Vì con trai ốm đau không làm được gì nặng nhọc nên mẹ anh mỗi ngày đều đi thu lượm đồng nát, ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm tiền thuốc men ăn uống cho con.

Lúc tiếp chuyện với chúng tôi, bác Doan - mẹ anh Khương vừa ăn xong vội bữa cơm trưa dù trời đã xế chiều. Chúng tôi hỏi chuyện về anh Khương, bác Doan nghẹn ngào: "Con ốm đau nên bác theo lên đây để chăm sóc hàng ngày. Lúc trước, hai mẹ con chạy thận ở viện Bạch Mai nhưng ăn ở tại đây đắt đỏ quá, 1 tháng mà hai mẹ con ăn ở hết 6 triệu đồng nên dời ra đây cho rẻ. Có lần đưa con đi chạy thận mà các ca chạy đều kín hết, không còn chỗ trống nào nên phải về qua đêm. Sáng hôm sau, lên viện nhìn người con bị phù hết cả lên mà bác xót hết cả ruột". Bác Doan cũng tâm sự hàng ngày đi thu gom đồng nát, làm thuê cho người ta cũng chỉ thêm được chút tiền ăn uống, thuốc men chứ tiền nhà vẫn phải ở quê gửi lên hỗ trợ.

Mong muốn kiếm được tiền bằng chính sức mình

Chúng tôi hỏi han về việc điều trị, ông Hồng cười vui kể về việc được BHXH hỗ trợ cho rất nhiều: "May mà có BHYT chúng tôi mới có điều kiện chạy thận. Các năm trước khi chạy thận, chúng tôi còn đang đóng 5% viện phí, nhưng năm nay nhờ chính sách nhà nước nên được hỗ trợ 100% luôn". Ông cũng chia sẻ mỗi người ở xóm trọ phải trả 400.000 đồng tiền phòng trọ mỗi tháng, thêm tiền ăn uống và thuốc men thì tiền sinh hoạt mỗi tháng, tằn tiện hết sức cũng tầm 2 triệu, 2 triệu rưỡi (VND) mỗi người. Ông kể: "tôi sống ở đây bao năm, bà chủ nhà cũng thông cảm với mọi người nên để giá thuê nhà rất tốt. Chứ nếu vào trong nội thành ở thì tốn kém lắm".


Ông Hồng - trưởng xóm chạy thận cũng đã gắn bó với nơi này 12 năm trời.

Ông Hồng - "trưởng xóm chạy thận" cũng đã gắn bó với nơi này 12 năm trời.

Khi hỏi chuyện về công việc của mọi người trong xóm hiện nay, ông Hồng cũng chia sẻ chân thành: "Nói thật là mọi người cũng muốn có công việc ổn định một chút để thêm vào tiền thuốc men, đỡ cho gia đình ở quê một phần nào, nhưng mà sức khoẻ yếu quá không biết làm thế nào được. Lúc trước, cũng có cá nhân tổ chức đến giúp đỡ công ăn việc làm nhưng không được lâu dài nên cũng long đong lắm. Mới đây, có người tới hỗ trợ hạt giống, đất và dụng cụ để chúng tôi trồng rau mầm bán, nhưng đang độ hè, nắng nóng nên rau mau héo, chưa có người mua ổn định mà rau không giữ được lâu nên cũng không bán được nhiều, cũng đang bấp bênh".

Ông chỉ vào mảnh vườn bé bé được quây lưới rồi kể: "Hai tháng nay, có các bạn bên một tổ chức xã hội tới hỗ trợ chúng tôi trồng cây cỏ mèo, đồng thời cũng hỗ trợ đầu ra luôn. Cây lên nhanh lắm nhưng lên được bao nhiêu thì bị chuột phá hết, quây lưới lại rồi thì lại đến kiến vào phá rễ, thành thử cũng đang lo. Mọi người cũng đang muốn chăm bẵm cho tốt để có thêm thu nhập".


Những chậu rau là cứu cánh cho những người chạy thận tại đây.

Những chậu rau là cứu cánh cho những người chạy thận tại đây.

Chúng tôi hỏi thế nuôi cỏ mèo rồi thì còn trồng thêm rau mầm nữa không, ông Hồng cười xoà: "Có chứ, tại trời đang nóng nên rau mầm khó giữ lâu, mấy hôm nữa trời lạnh thì rau mầm phát triển dễ hơn nhiều". Ông chỉ tay về phía một người phụ nữ đang ngồi cạnh cái mê đựng đầy đỗ xanh rồi bảo: "Đấy là cô Hương, chạy thận cũng được 4 năm rồi. Đấy, cô Hương đang ngồi nhặt đậu để khi nào ngâm, gieo trồng rau mầm".

Chị Hương đang tỉ mẩn ngồi nhặt những hạt đỗ mọt, già sang một bên, nghe nhắc đến tên mình thì chị nhìn chúng tôi cười, rồi tiếp lời: "Lần này, bọn chị mua phải hạt giống chất lượng không tốt lắm, chị ngồi nhặt nhạnh nãy giờ cũng nhiều hạt già với mọt lắm, mấy hạt này mà ngâm thì còn nổi nhiều nữa, gieo lại không lên được mầm".


Chị Hương hồ hởi bên nồi chè đậu xanh được nấu từ những hạt đậu không lên được mầm

Chị Hương hồ hởi bên nồi chè đậu xanh được nấu từ những hạt đậu không lên được mầm

Trời dần về chiều cũng bớt oi ả hơn, ông Hồng nhấp ngụm nước, ông chạy thận nhiều đến mức da đã xạm đi, đôi mắt ngả hẳn màu vàng. Nhìn sang những luống rau đang lên, rồi lại nhìn những người dân khác trong xóm chạy thận, ông vẫn trăn trở: "Cuộc sống bây giờ vẫn còn khó khăn quá, mọi người trong xóm cũng cố gắng đùm bọc lẫn nhau, có việc gì làm ra tiền dù ít dù nhiều cũng rủ nhau làm, đỡ đần nhau ít nhiều. Dù sức khoẻ có yếu nhưng không ai trong số chúng tôi muốn sống dựa dẫm cả, đều muốn làm việc kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình". Ông nhìn về những luống rau mới nhú đang được quây lưới bạt, hi vọng vào công việc kiếm tiền trang trải của cả xóm chạy thận sẽ ổn định hơn dù số tiền kiếm được rất ít ỏi.

 

Chạy thận nhân tạo bằng... áo khoác Chạy thận nhân tạo bằng... áo khoác

VTV.vn - Hai sinh viên Đại học Bách khoa Palestine đang phát triển một loại áo khoác có khả năng hỗ trợ việc chạy thận nhân tạo, giúp giảm gánh nặng cho bệnh nhân.

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước