Xuân về trên buôn mới Bu Prăng

Tấn Hiền-Chủ nhật, ngày 17/02/2013 07:48 GMT+7

Cuộc sống mới đang được bắt đầu trên mảnh đất tiền tiêu Bu Prăng.

Tết này, người M’Nông ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã có niềm vui lớn khi họ được trở về định cư tại ngôi làng cũ.

Với nhiều người con đất Việt, được sinh sống trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn là niềm hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời. Điều đáng nói là sự trở về để sinh sống tại ngôi làng cũ của người dân tại bon Bu Prăng lại được thực hiện sau tới hơn 30 năm xa cách. Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi làng cũ lại có được điều kiện sống và sinh hoạt tốt hơn nơi ở mà họ vừa dời đi.

Dù đã trở về sống ở ngôi làng mới được gần một năm, nhưng với người dân Bon Bu Prăng, mọi việc vẫn ngỡ như một giấc mơ.

Hơn 30 năm trước đây, cuộc sống yên bình sau ngày đất nước thống nhất của những người M’nông nơi đây lại lâm vào cảnh loạn ly khi biên giới liên tục bị kẻ thù gây hấn. Bỏ lại ngôi làng cũ, họ dắt díu nhau tìm nơi lánh nạn.

Với những người thuộc thế hệ như ông Điểu Toih, việc được trở lại làm ăn sinh sống ngay trên mảnh đất của ông bà xưa là niềm hạnh phúc vô bờ: “Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước đã đầu tư dự án này. Bây giờ cuộc sống của bản thân tôi đã ổn định. Tôi rất cảm ơn”.

Không riêng gì Điểu Toih, cuộc sống của 150 hộ dân thuộc dự án tái định cư bon Bu Prăng đã có nhiều thay đổi.

Ngoài việc được ở trong những căn nhà mới khang trang tại khu dân cư mới được quy hoạch với đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông… mỗi hộ còn được cấp 2 héc ta đất sản xuất.

Huyện Tuy Đức cũng thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống giúp bà con. Những loại cây trồng mới hay phương pháp canh tác khoa học cũng được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn. Một cách làm ăn mới đã được mở ra ở bon Bu Prăng.

Ông Đặng Văn Cương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuy Đức cho biết: “Về phát triển sản xuất cho bà con, huyện đã phát triển được các loại cây ngắn ngày như khoai lang, mì. Hiện nay cuộc sống của bà con đã từng bước được ổn định, cây trồng phát triển tốt. Mỗi hộ còn được cấp 2 con bò cái sinh sản, hiện tỉ lệ sống rất cao”.

Những cánh đồng canh tác lúa nước này đang ngày một được mở rộng diện tích khi hệ thống thủy lợi được hoàn thiện. Cũng từ đây, tập quán canh tác lúa rẫy của bà con được chuyển dần sang làm lúa nước 2 vụ theo hướng thâm canh.

Cái đói, cái nghèo một thời đeo đẳng người M’Nông ở bon Bu Prăng đang được đẩy lùi. Một cuộc sống mới đang được hồi sinh trên vùng đất một thời mưa bom, bão đạn.

Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch xã Quảng Trực cho biết: “Đời sống của đồng bào hai bon mới so với trước đây đã có nhiều thay đổi. Các mặt từ cơ sở hạ tầng, định hướng phát triển kinh tế cũng đã khác hẳn”.

Các gia đình tại bon Bu Prăng không còn phải một ngày 2 buổi ra suối lấy nước, thói quen trong sinh hoạt của những người dân vùng biên giới đã thay đổi vì cơ sở hạ tầng đã được đảm bảo.

Ngôi làng cũ sau hơn 30 năm được tái lập giờ đã khang trang hơn, đầy đủ hơn. Tết này, những người M’Nông ở bon Bu Prăng được đón mùa xuân đầu tiên trên quê hương của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước