Bức tranh kinh tế thế giới 2016: Nhiều bất ngờ!

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 24/12/2016 10:19 GMT+7

VTV.vn - Năm 2016 là một năm đặc biệt với những bất ngờ nối tiếp bất ngờ trên thị trường tài chính quốc tế.

Một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực truyền thông nhất trong năm 2016 không thể không nhắc tới cuộc trưng cầu dân ý của người Anh hồi tháng 6. Trước đó ai cũng tự tin về một kết quả ngược lại nên lựa chọn sẽ ra đi của người dân "xứ sở sương mù" thực sự là một cú sốc lớn đối với thị trường.

Tương lai của nước Anh sẽ ra sao vẫn chưa rõ nhưng người dân Anh không hối tiếc về quyết định của mình, bởi họ không muốn tiếp tục dính líu đến nền kinh tế EU vẫn đang trì trệ, họ đã mệt mỏi khi phải gánh vai trò "đầu tàu kinh tế" cùng với Đức. Nước Anh muốn tập trung lo cho chính mình và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý chính là cú sốc cho thấy sức mạnh của phong trào dân túy. Giới chính trị đang buộc phải lưu tâm nghiêm túc đến làn sóng đang lan rộng này.

Nếu như năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ là thời điểm đánh dấu tiến trình toàn cầu hóa, mọi quốc gia đều cố gắng trở thành một bánh răng đẩy cỗ máy thương mại thế giới hoạt động nhịp nhàng, thì năm 2016 lại bị coi là thời điểm mọi vòng xoay bị "trật bánh".

Những hiệp định thương mại tự do tuy mang lại nhiều lợi ích thuế, nhưng cũng gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội ngay trong lòng phương Tây. Các khu đô thị hội nhập tốt, thu nhập ngày càng cao, còn những vùng phụ cận rộng lớn không được lợi gì từ toàn cầu hóa, thu nhập và việc làm ngày càng giảm.

Làn sóng bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Các biện pháp bảo hộ thương mại trong nhóm G20 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng vài năm qua, kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây, dưới mức 7.000 tỉ USD.

Khi các hiệp định song phương, đa phương giữa các nước đang gặp nhiều cản trở, các doanh nghiệp đã tìm ra một con đường khác, cởi mở hơn, tự do hơn là thương mại điện tử. Thương mại điện tử là cơ hội rộng lớn, xóa nhòa mọi biên giới giữa các quốc gia. Thế nhưng, không gian mạng vô hạn cũng tiềm tàng những góc khuất, những rủi ro khổng lồ. Năm 2016 được coi là năm khủng hoảng của an ninh mạng toàn cầu khi liên tục xảy ra những vụ tấn công mạng quy mô lớn.

Một câu chuyện cũng được đề cập nhiều trong năm qua đó là diễn biến lên xuống thất thường của giá dầu thế giới.

Tháng 1/2016, ngay sau tin Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu, giá dầu lao dốc xuống ngưỡng 26 USD/thùng, thấp nhất 13 năm. Thị trường toàn cầu rơi vào cơn sốc.

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, giá dầu bắt đầu đi lên nhanh chóng, khi Nga và Arab Saudi đánh tín hiệu sẽ đóng băng sản lượng, nguồn cung dầu của thế giới có thể giảm mạnh. Dầu vì thế bất ngờ tăng vọt lên 50 USD/thùng. Không duy trì được lâu, liên tiếp 3 tháng sau đó, giá dầu lại quy đầu giảm, do các giàn khoan dầu của Mỹ khai thác trở lại với số lượng lớn đẩy cung vượt xa so với cầu.

Trong 4 tháng cuối năm, nhờ những tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu đã leo dốc thành công, có thời điểm lên mức 54 USD/ thùng. Hiện vẫn tiếp tục duy trì mức giá này.

Khi những tranh cãi bên thùng dầu chưa chấm dứt, việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch chính là nguồn phát thải CO2 lớn nhất. Nguyên nhân hàng đầu khiến Trái Đất nóng lên và làm trầm trọng hơn hiện tượng biến đổi khí hậu. Năm 2016 sẽ phá vỡ kỷ lục của năm 2015, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Số liệu từ diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu cho thấy: Mỗi năm, biến đổi khí hậu là tác nhân khiến 40.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế lên đến 1.200 tỷ USD, tương đương 1,6% GDP hàng năm của thế giới. Dự báo đến năm 2030, thiệt hại kinh tế sẽ còn tăng gấp đôi.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước