Lý Hoàng Nam và giấc mơ ATP

Cập nhật 11:46 ngày 24/03/2015

Vô địch cả đơn và đôi giải Nhóm 1, Lý Hoàng Nam vừa làm nên một trong những thành tích mà nhiều tài năng trẻ tennis thế giới mơ ước.


Theo hệ thống phân chia giải (tiền thưởng và điểm thưởng) thì Nhóm 1 chỉ đứng sau Nhóm A và cao hơn tất cả các nhóm giải còn lại.

Nhóm A gồm bốn giải Grand Slam (nội dung trẻ) và ba giải trẻ khác, gồm Olympic trẻ, Italian Open và Orange Bowl. Vô địch những giải nằm trong nhóm này được thưởng 250 điểm.

Số điểm vô địch cho các giải nằm trong Nhóm 1 ít hơn, nhưng cũng lên tới 150 điểm, gần như là đủ để một tay vợt trẻ thoải mái có một vị trí trong Top 100 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới.

Dưới Nhóm 1 là Nhóm từ 2-5, với điểm thưởng thấp dần đều. Ở đây, Nhóm 5 được hiểu gần như là sân chơi mở cho tất cả các tay vợt trẻ miễn là họ có đăng ký mã số đăng ký thi đấu quốc tế (IPIN). Việt Nam trong thời gian qua nhiều lần tổ chức các giải Nhóm 5 và có không ít những tay vợt trẻ chơi còn chưa “sạch nước cản”.

Thực ra còn một Nhóm B với số điểm thưởng cao hơn một chút (vô địch là 180 điểm), là các giải Vô địch Khu vực. Nhưng số lượng giải đấu này rất ít.

Cơ cấu như thế nên giải Nhóm 1 thường quy tụ những tay vợt trẻ xuất sắc nhất. Nó thậm chí còn có cả vòng sơ loại để sàng lọc những tay vợt có thứ hạng thấp.

 

 Hoàng Nam và chiếc cúp vô địch ITF Junior G2 năm 2013

 Nhóm 1 nhiều khi cũng tương đối

Nhưng vì có hàng chục giải Nhóm 1 nằm trong hệ thống gồm hơn 300 giải đấu trong một năm nên không phải các tay vợt xuất sắc đều đồng thời có mặt ở một giải đấu để ganh đua.

Chẳng hạn, trong tháng Ba này, có tới bảy giải đấu Nhóm 1. Vì thế Hoàng Nam dù đứng thứ 49 thế giới ở thời điểm đó vẫn đứng thứ tư trong danh sách hạt giống của giải.

Người mà Hoàng Nam đánh bại trong trận chung kết đơn nam, Oh Chan Yeong (Hàn Quốc) là hạt giống số 2 nhưng đứng thứ 31 thế giới.

Mặt khác, cũng là những giải đấu Nhóm 1, nhưng diễn ra ở khu vực châu Âu lại có tính ganh đua khốc liệt hơn hẳn so với khu vực châu Á. Bởi giải ở châu lục nào thường quy tụ những tay vợt hàng đầu đến từ các khu vực đó (để hạn chế kinh phí di chuyển) trong khi châu Âu vẫn là cái nôi của tennis thế giới. Nam từng thua ngay từ vòng 1 ở những giải Nhóm 1 tổ chức ở Mỹ và Australia.

Giải đấu mà Hoàng Nam vừa vô địch tổ chức ở Malaysia đã quy tụ khá nhiều các tay vợt châu Á. Chặng đường năm vòng ở đó, Hoàng Nam đã đánh bại một tay vợt Australia, hai Hàn Quốc, một Trung Quốc và một Malaysia.

Nhưng thành tích này cũng vẫn là một sự kiện đặc biệt đối với Hoàng Nam và cả tennis Việt Nam.

Tất nhiên, nó chưa phải là đỉnh cao nhất mà một tay vợt trẻ Việt Nam từng đạt được. Hoàng Thiên từng làm nên thành tích còn kỳ diệu hơn, vô địch U16 Orange Bowl cách nay 5 năm. Giải đấu này thuộc Nhóm A, ngang với các Grand Slam trẻ, và suốt bao năm qua vẫn là nơi mà những tài năng trẻ xuất sắc nhất thế giới đều muốn thử sức. Các tay vợt lừng danh và vĩ đại trong lịch sử cả nam và nữ như Tommy Haas, Del Potro, Jimmy Connors, Stefi Graff, Chris Evert, Henin… đều đã từng lên ngôi ở đây khi còn trẻ tuổi.

Thì nó lại ghi nhận sự ổn định và tiến bộ của Hoàng Nam năm nay 18 tuổi. Bởi ngay ở giải đấu trước đó, Hoàng Nam cũng đã vào tới chung kết của một giải Nhóm 1: Chang Thailand Open.

Nếu tính cả giai đoạn cuối mùa trước, và kể từ sau lần đầu tham dự nội dung trẻ ở Roland Garros cho tới trước hai giải Nhóm 1 nói trên, Hoàng Nam đã tham dự còn liên tục tham dự ba giải Nhóm A ở Nhật, Mexico và Mỹ (Orange Bowl), đều vào được tới vòng 1/16, và bốn giải Nhóm 1 với hai lần vào tới vòng 1/16 và hai lần bị loại từ vòng đầu.

“Dự án” ATP 500 hay cao hơn nữa?

Chưa từng có ai ở Việt Nam được tham dự nhiều giải đỉnh cao của tennis trẻ như Hoàng Nam. Nó là sự chuẩn bị lý tưởng đối với một tay vợt năm nay 18 tuổi (sinh tháng 2/1997). Những trận đấu với các tay vợt trẻ hàng đầu châu Á và thế giới là sự trui rèn cần thiết bên cạnh việc tập luyện liên tục trong môi trường hiện đại, có những đối thủ tương xứng để đối luyện.

Nếu phải tìm lý do nào đó để lý giải thì có thể coi việc chơi tốt ở đơn nam trẻ Australian Open chính là yếu tố giúp Hoàng Nam trở nên tự tin hơn, vào tới chung kết hai giải Nhóm 1 liên tiếp (vô địch một).

 

 

 Hoàng Nam là tay vợt sáng giá nhất của quần vợt Việt Nam hiện nay

Leo 15 bậc để đứng thứ 34 thế giới trên bảng xếp hạng trẻ của ITF cũng là điều chưa từng có ai ở Việt Nam đạt được. Hoàng Thiên trước đây chỉ đứng đầu trong nhóm các tay vợt dưới 14 tuổi của châu Á.

514,375 điểm của Hoàng Nam tích luỹ được theo cách tính của ITF, chỉ chọn sáu giải đấu có thành tích tốt nhất cả của đơn và đôi rồi cộng gộp lại.

Khoảng cách về điểm số của Hoàng Nam với tay vợt có thứ hạng thấp nhất trong Top 20 chỉ là khoảng 100 điểm, tương đương với số điểm vô địch nội dung đôi của một giải Nhóm 1. Thế nên, khả năng Hoàng Nam còn leo cao hơn nữa trên bảng xếp hạng ITF là có.

Nhưng, một tay vợt có thứ hạng ở ITF chưa chắc đã có thứ hạng đáng kể ở ATP khi lên chuyên nghiệp. Không phải lần đầu chúng ta nói về điều này, nhưng vẫn là thích hợp để nhắc lại.

ATP là một cuộc chơi hoàn toàn khác, với những đối thủ đa dạng, ở một trình độ cao hơn, độ tuổi phong phú hơn, và vì thế khốc liệt hơn.

Có những tay vợt trẻ không cần phải trở thành số 1 ITF nhưng sau này họ là số 1 thế giới, mà đôi khi lý do là quan điểm huấn luyện, hoặc đôi khi là do tài năng họ chín quá sớm, đủ để bỏ qua giai đoạn chinh chiến các giải trẻ (đó là lý do có các nhà vô địch Grand Slam khi mới 17-19 tuổi).

Sẽ thích hợp hơn khi nói về một “dự án” đầu tiên là lọt vào Top 1000 tay vợt hàng đầu thế giới, rồi sau đó là Top 500 của ATP. Một vị trí khoảng 490-500 hiện tại cần khoảng 70 điểm – một số điểm cần tích luỹ khá bền bỉ qua vài điểm một nếu như không có sự xuất sắc đột biến.

Nhưng trước đấy là hệ thống ITF Futures với số tiền thưởng cả giải từ 10-15 ngàn USD, một bước đệm để chơi ở những giải ATP Challenger với tiền thưởng cả giải từ 40-220 ngàn USD rồi sau đấy mới là ATP Tour.

Tức là với Hoàng Nam, hiện tại là khá sáng sủa, nhưng tương lai ở ATP Tour vẫn còn là một chặng đường dài. Top 500 ATP thực sự ở rất cao.

Trần Quang - Nguồn: Tạp chí Khám phá
(Thethao.vtv.vn)

Holger Rune vào tứ kết Bavarian International

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Với tư cách là ĐKVĐ của Bavarian International, Holger Rune đang rất cố gắng hướng tới việc bảo vệ chức vô địch của mình.