Siêu HLV quần vợt năm 2014 là ai?

Cập nhật 03:23 ngày 30/12/2014

Một trong những trào lưu chủ đạo của quần vợt đỉnh cao thế giới năm 2014 là các cựu tay vợt vô địch Grand Slam “xuống núi” làm HLV cho các tay vợt hàng đầu hiện nay.

 


Siêu HLV Stefan Edberg giúp tượng đài Roger Federer hồi sinh sau một năm 2013 bết bát. Sự nhạy bén trở lại với Federer và khả năng bắt lưới của anh ngày càng hoàn hảo giúp anh lấy lại vị trí số 2 thế giới và vào chung kết Wimbledon. Nhưng Federer thất bại trong một nhiệm vụ mang tính thường niên của anh: giành ít nhất một danh hiệu vô địch Grand Slam.

Boris Becker gia nhập vào đội quân của Novak Djokovic. Nếu nhận định việc Djokovic lấy lại vị trí số 1 thế giới từ tay Rafael Nadal là nhờ sự trợ giúp của Becker là sai. Không có Becker thì Djokovic cũng thừa khả năng đó. Năm nay là năm Nadal tự rớt do những chấn thương.

 

Mục đích lớn nhất khi Djokovic mướn Becker là để hoàn tất bộ sưu tập đủ 4 danh hiệu vô địch Grand Slam, nhưng mục đích đó thất bại khi anh thua Nadal trong trận chung kết Roland Garros. Về mặt kỹ thuật, khó ai có thể chỉ bảo thêm được Djokovic. Anh cần ở Becker kinh nghiệm đối phó với những tình huống khó khăn ở thời khắc quyết định. Nhưng hẳn nhiều người nhớ rằng: Djokovic phạm lỗi giao bóng kép ở match point trong trận chung kết tại Paris.

Michael Chang, một nhà vô địch Grand Slam khác, nổi tiếng trong thế hệ của anh là một tay vợt kiên cường, đeo bám theo mọi đối thủ. Anh đã truyền vào Kei Nishikori phẩm chất đó trong năm 2014, giúp tay vợt châu Á hạ những tay vợt hàng đầu như Stan Wawrinka, Novak Djokovic để lọt vào trận chung kết US Open.


 

Bài ca Thiên nga của hai người gốc châu Á sẽ còn đẹp hơn nếu Nishikori không bị chặn đứng bởi Marin Cilic trong trận chung kết đó. Và ở đây, nổi lên một người chắc chắn phải được xem là HLV tốt nhất, không chỉ trong năm 2014, mà trong nhiều năm trở lại đây: Goran Ivanisevic.

Ivanisevic đúng là một kiểu “anti-Chang” từ khi họ còn cầm vợt. Cao – thấp. Bất ổn – Kiên định. Bốc đồng – Điềm tĩnh. Ivanisevic chẳng bao giờ đánh đến 6 cú liên tiếp ở vạch cuối sân, bất kể đối thủ là ai. Boom, một cú ace bằng tay trái. Theo sau là những cú ace khác. Ivanisevic thua Pete Sampras và Andre Agassi trong 3 trận chung kết Wimbledon.

Ivanisevic làm chính các CĐV của anh nổi nóng: “Làm sao mà Goran có thể thua gã đó được nhỉ?” Ivanisevic khó đoán như thế. Như cách anh giành chức vô địch Wimbledon 2001: đến giải đấu ở vị trí 125 thế giới qua suất đặc cách. Nhưng Ivanisevic luôn tràn đầy đam mê.

Đó là cái cách Ivanisevic đưa Cilic xếp hạng 37 thế giới vào đầu năm 2014, trước đó không lâu còn thụ án cấm thi đấu do liên quan đến doping, trở thành nhà vô địch US Open. Đây có lẽ là một bất ngờ lớn nhất trong làng quần vợt nam hơn thập niên qua, bất ngờ như khi Ivanisevic vô địch Wimbledon 2001.

 

Goran Ivanisevic và Marin Cilic trong vòng tay người thân giây phút sau trận chung kết US Open 2014

“Điều quan trọng nhất Goran đem đến cho tôi là niềm vui với quần vợt, với lối chơi của chính mình”, Cilic nói, “Trước đó, tôi quá chú trọng vào chiến thuật, vào đối thủ mà không tập trung vào lối chơi của mình. Anh ấy đã thay đổi lối suy nghĩ của tôi hoàn toàn”. Ở quần vợt đỉnh cao, người ta không có nhiều thứ để dạy nhau đâu. Nhưng: cứ mỗi 1 kg kỹ thuật thêm vào là có 1 tấn tự tin xuất hiện.

Cilic chơi theo kiểu Ivanisevic đã làm và muốn ở anh: ace, ace, ace, đừng cù cưa quá 6 cú đánh ở vạch cuối sân, chủ động tấn công hạ gục đối thủ ngay khi có cơ hội. Tại US Open, Cilic chơi theo kiểu tốc hành đó, hạ Tomas Berdych, Federer, Nishikori ở các vòng tứ kết, bán kết, chung kết chỉ trong 3 set.

Ivanisevic và Cilic có cùng nhau giành thêm Grand Slam nữa hay không? Có thể có, mà cũng có thể không. Nhưng cơ hội luôn ở đó. Một sự kết hợp tuyệt vời, như “made in heaven”, sớm hơn cũng không được, muộn hơn cũng không xong. Đúng người, đúng chỗ, đúng điểm. Y như hai chất hóa học hội đủ điều kiện về áp suất, nhiệt độ gặp nhau và tạo thành phản ứng. Boom.

Năm 2015, sẽ có phản ứng hóa học nào thành công? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Tenis360


Naomi Osaka vào vòng 2 giải quần vợt Madrid mở rộng

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Dù không phải mặt sân sở trường nhưng Naomi Osaka đã thi đấu rất nỗ lực ở vòng 1 của giải quần vợt Madrid mở rộng để giành chiến thắng đầu tiên trên mặt sân này sau 2 năm.