Liên Hợp Quốc quan ngại về hạn chế đi lại với các nước châu Phi

Quỳnh Chi (T/h)-Thứ năm, ngày 02/12/2021 19:04 GMT+7

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt hạn chế đi lại với một số quốc gia châu Phi do lo ngại biến thể Omicron.

Đến nay, biến thể Omicron đã lan ra ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về động thái hạn chế đi lại với các nước châu Phi của nhiều quốc gia, đồng thời kêu gọi cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp để ứng phó.

Ông Antonio Guterres cho rằng, các biện pháp hạn chế đi lại này không hiệu quả và gây chia rẽ trên toàn cầu, đặc biệt khi các quốc gia châu Phi này đã tích cực chia sẻ những thông tin y tế, khoa học mang tính cấp thiết với thế giới.

"Chúng ta có những công cụ để bảo đảm di chuyển an toàn. Hãy sử dụng công cụ đó để tránh thứ mà tôi gọi là "phân biệt đi lại", điều tôi nghĩ là không thể chấp nhận", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nói với các phóng viên tại New York, Mỹ hôm 1/12.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi, các nước cân nhắc đưa ra các biện pháp phù hợp như tăng cường xét nghiệm các hành khách xuất/nhập cảnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mà vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế và đi lại không bị gián đoạn.

Liên Hợp Quốc quan ngại về hạn chế đi lại với các nước châu Phi - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các nước châu Phi. (Ảnh: AP)

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu: "Điều không thể chấp nhận được là một phần của thế giới, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế thế giới, lại bị cô lập khi chính họ là những người đã tiết lộ sự tồn tại của một biến thể mới. Vì vậy, tôi đưa ra một lời kêu gọi rất mạnh mẽ, đó là chúng ta có các công cụ để đảm bảo đi lại an toàn. Hãy sử dụng những công cụ đó để tránh tình trạng 'du lịch phân biệt chủng tộc".

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau với khu vực phía Nam châu Phi, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt biến chủng Omicron vào danh sách "biến thể đáng lo ngại" hôm 26/11.

Omicron lần đầu được ghi nhận ở miền Nam châu Phi. Giới khoa học tới nay chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền, độc lực của Omicron và liệu nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.

Châu Phi nằm trong số những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 thấp nhất thế giới do hạn chế về nguồn cung. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từ lâu đã cảnh báo, bất bình đẳng vaccine toàn cầu và tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tạo cơ hội cho biến chủng xuất hiện.

Moderna sẽ xin cấp phép vaccine ngừa biến thể Omicron vào tháng 3 tới Moderna sẽ xin cấp phép vaccine ngừa biến thể Omicron vào tháng 3 tới Biến thể Omicron đã có ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ Biến thể Omicron đã có ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ Cuba nâng cấp vaccine nội địa nhằm chống biến thể Omicron Cuba nâng cấp vaccine nội địa nhằm chống biến thể Omicron

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước