Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế và đồng minh chống IS

Trường Sơn-Thứ năm, ngày 04/09/2014 21:12 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)

Nước Mỹ đang kêu gọi sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế và các đồng minh của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ các phiến quân thuộc lực lượng Nhà nước hồi giáo tự xưng IS.

Lực lượng này đã được Mỹ đánh giá là mối đe dọa chưa từng có từ trước đến nay. Những động thái trên của Mỹ thể hiện quyết tâm không nhân nhượng với các phần tử cực đoan.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ không nao núng sau khi dân quân IS tung ra băng video vụ hành quyết nhà báo Sotloff.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ông Obama đang bị chỉ trích rất mạnh sau khi Mỹ tuyên bố Mỹ không có một chiến lược khi đối phó với IS. Ngay trong bài phát biểu hôm 3/9, dù thể hiện quyết tâm rất lớn, ông Obama cũng nói là phải đặt IS “trong tầm kiểm soát”. Chính vì vậy, cũng có ý kiến hoài nghi không hiểu mục tiêu chính của ông Obama là tiêu diệt đến cùng hay chỉ là kiềm chế IS.

Các nhà phân tích cho rằng giờ quá muộn để kiểm soát vì nếu kiểm soát thì phải từ tháng 1 khi IS mới chỉ có 1.500 thành viên chức không phải để tổ chức này tự do phát triển lên tới 20-30 nghìn thành viên như hiện nay, trong đó có tới 1.200 thành viên là chiến binh nước ngoài.

Các chuyên gia bình luận quốc tế cũng cho rằng, bây giờ là lúc ông Obama phải dứt khoát hơn trong hành động. Không ai muốn nước Mỹ dính líu vào một cuộc chiến nhưng tình thế bắt buộc nước Mỹ phải ra tay.

Ông Obama đang cố gắng tìm kiếm và tập hợp lực lượng để chống lại IS, trước mắt là ngay tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này. Có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của Anh. Thủ tướng Anh Cameron cũng cho cho biết, Anh không nhượng bộ với chủ nghĩa khủng bố.

Tuần tới, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp trở lại và sẽ thảo luận về chính sách của Mỹ với IS. Một số nghị sỹ trước đó đã lên tiếng cho biết sẽ bảo trợ đạo luật trao thêm quyền hành động cho tổng thống trong việc đối phó với IS, nhưng cũng thúc giục chính quyền phải có chiến lược rõ ràng hơn.

Rõ ràng chính quyền Obama đang đứng trước sức ép lớn phải có hành động quân sự cứng rắng hơn với IS tại Trung Đông. Vì thế, dù đã hứa và đã rút quân khỏi Iraq nhưng gần đây, Mỹ đã phải gửi thêm 350 lính tới Iraq, nâng số quân lên 820 binh lính.

Ngoài ra, từ đầu tháng 8 Mỹ đã thực hiện hơn 120 cuộc không kích tại Iraq. Những sự kiện trên cho thấy dường như đà dính líu trở lại của Mỹ tại Trung Đông là không thể tránh khỏi và ngày càng sâu hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video chi tiết:

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước