"Năng lượng tích cực" có mặt trái?

Trang Phan-Thứ bảy, ngày 04/07/2020 19:31 GMT+7

Một "cư dân mạng tốt" ở Trung Quốc cần phải chia sẻ những nội dung có thông điệp tích cực, tươi sáng... (Nguồn: NBC News)

VTV.vn - Trong những năm qua, các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã thúc đẩy cụm từ "năng lượng tích cực" để nó phổ biến đến mức trở thành một "nghĩa vụ công cộng" của người dân.

Chiến dịch "Năng lượng tích cực" ở Trung Quốc

Giới quản lý không gian mạng của Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch toàn quốc kéo dài 5 năm nay, bắt đầu từ tháng 3/2016, nhằm thúc đẩy những "cư dân mạng tốt", những người giúp truyền bá "năng lượng tích cực" trực tuyến, thiết lập "nền tảng Internet kiểu mẫu".

Theo đó, một "cư dân mạng tốt" cần có mối quan tâm cao đối với bảo mật Internet và chia sẻ những nội dung có thông điệp tích cực, tươi sáng và các yêu cầu khác.

Một loạt các chiến dịch "cư dân mạng tốt" đã được Trung Quốc tổ chức ở cấp tỉnh và thành phố. Vào ngày 10/5/2016, hơn 100 trường đại học và cao đẳng ở tỉnh Thiểm Tây đã khởi động chiến dịch hợp tác với Cơ quan quản lý không gian mạng tỉnh. Học sinh được khuyến khích gửi những câu chuyện tích cực diễn ra trong trường, tham gia vào các cuộc thi nhiếp ảnh và các hoạt động khác. Các tài khoản mạng xã hội và cá nhân trong hệ thống an ninh công cộng giúp lan truyền "năng lượng tích cực" sẽ được tôn vinh.

Khi "năng lượng tích cực" được tạo ra miễn cưỡng, liệu có còn là "tích cực"?

Khi cụm từ "năng lượng tích cực" lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc vài năm trước, nó chỉ đơn thuần là một cách mô tả thời thượng về những bộ phim hay hoặc những lối sống lành mạnh. Nhưng trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã thúc đẩy cụm từ này phát triển đến mức nó đang trở thành một "nghĩa vụ công cộng" của người dân Trung Quốc, không chỉ trên không gian mạng.

Trong lĩnh vực giáo dục, cụm từ "năng lượng tích cực" ngày càng có sức hút đến mức nếu các em học sinh không lan truyền "năng lượng tích cực", chúng có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Vào cuối tháng 4 năm nay, em Zhong Yusheng đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi đăng tải video của mình trên Kuaishou, nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc. Trong video, em Zhong đóng vai cô giáo phạt học sinh và mắng học sinh rằng "ngay cả khi các em không chịu học, cô vẫn nhận được lương". Trong một video khác, cô giáo mà Zhong đóng vai dùng thước kẻ đánh học sinh và mắng các em là "không biết xấu hổ".

Các vai diễn đã giúp Zhong có được 1,5 triệu người theo dõi, nhiều người trong số họ ca ngợi tài năng diễn xuất trong các video của em và cho biết chúng gợi họ nhớ về thầy cô của mình. Tuy nhiên, cơ quan giáo dục ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi em Zhong đi học, lại không nghĩ vậy. Truyền thông địa phương đưa tin rằng văn phòng giáo dục đã làm việc với em Zhong và gia đình, thúc giục cha mẹ phải hướng dẫn em tạo ra những video mang lại "năng lượng tích cực".

Năng lượng tích cực có mặt trái? - Ảnh 1.

Zhong được cho là đã tạo ra những video không có "năng lượng tích cực". (Nguồn: South China Morning Post)

Các video của Zhong sau đó đã bị gỡ xuống bất chấp sự phản đối công khai của cư dân mạng, những người cho rằng cậu bé và gia đình đã bị ép buộc làm như vậy. Phụ huynh của Zhong thì cho biết họ đã yêu cầu con trai mình gỡ các video xuống vì lo lắng em sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhận xét tiêu cực trên mạng. Zhong chỉ bị khiển trách.

Trong khi Zhong chỉ bị khiển trách, Miu lại kém may mắn hơn. Em học sinh lớp 5 ở thành phố Thường Châu, Giang Tô đã nhảy từ tầng 4 của trường xuống tự vẫn sau khi bị giáo viên khiển trách vì đã viết một bài văn không có năng lượng tích cực.

Nhiều chi tiết và những dòng mô tả trong bài viết 300 chữ của Miu, trong đó có những suy tư của cô bé về truyện "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" trong Tây Du Ký, đã bị giáo viên Yuan gạch bằng mực đỏ đậm. Điều khiến giáo viên Yuan phản ứng mạnh mẽ nhất là kết luận của Miu về Bạch Cốt Tinh, nhân vật chính trong truyện.

Miu đã viết: "Bài học rút ra từ câu chuyện này là đừng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài và sự giả tạo trong xã hội ngày nay. Một số người bề ngoài có vẻ tốt bụng nhưng thực sự đen tối và nham hiểm. Họ sẽ sử dụng tất cả các biện pháp và âm mưu đê hèn để đạt được động cơ thầm kín của mình".

Trong câu chuyện, đúng là Bạch Cốt Tinh đã giăng bẫy để bắt các nhân vật khác. Nếu là một giáo viên khác, họ có thể đã thấy đây là một bài phê bình sâu sắc. Nhưng giáo viên Yuan lại gạch bỏ phần kết luận của Miu và đưa ra lời phê: "Cần truyền đi năng lượng tích cực".

Trước cái chết của Miu, nhiều người đã chỉ trích giáo viên Yuan là hà khắc không cần thiết. Một số phương tiện truyền thông còn tuyên bố vụ việc còn nhiều uẩn khúc như là Miu cũng đã bị giáo viên Yuan tát. Tuy nhiên, nhà trường đã bác bỏ tin đồn này.

Mặt trái của khẩu hiệu “năng lượng tích cực”

Cái chết của Miu đã khiến một số nhà quan sát cho rằng có một mặt tối tồn tại đằng sau sự phổ biến quá mức của khẩu hiệu "năng lượng tích cực" tại Trung Quốc. Rốt cuộc, làm thế nào mà một câu khẩu hiệu được cho là thể hiện sự tích cực có thể có tác động tiêu cực khủng khiếp như vậy?

Xu Qinduo, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Pangoal và là một chuyên gia về chính sách công, nói rằng dù khái niệm này có phần không rõ ràng, nó vẫn thường được sử dụng để nhấn mạnh sự tiến bộ và mặt tích cực của bất kỳ sự phát triển nào, được coi là khía cạnh tốt hơn trong bất kỳ vấn đề nào.

Trong những dịp kỷ niệm quan trọng, người ta có xu hướng nói về những thành tựu hơn là những thách thức tiềm năng hoặc những khía cạnh tiêu cực để tạo ra một môi trường tươi sáng và lạc quan, ông Xu cho hay.

Trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc, luôn có nhiều câu chuyện tích cực hơn là những câu chuyện tiêu cực bởi vì những câu chuyện tiêu cực sẽ khiến mọi người chán nản, thất vọng hoặc bất mãn. Tập trung vào các khuyết điểm sẽ khiến mọi người cảm thấy vô vọng hoặc chán ghét xã hội.

Tuy nhiên, trong khi sự tích cực không ngừng được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nó có thể tàn phá thực tế.

Giáo sư Sun Liping làm việc tại Đại học Thanh Hoa đã viết trên mạng xã hội Weibo rằng mặc dù giáo viên Yuan có một phần lỗi trong cái chết của Miu nhưng tất cả chúng ta nên tự hỏi mình rằng tại sao lại xảy ra một lỗi lầm như vậy.

Giáo sư Sun cho biết vấn đề là môi trường "đã tạo ra và chứa đầy cái gọi là 'năng lượng tích cực' này, khiến mọi thứ trở nên cứng nhắc và cũng bạo lực hơn, bầu không khí ấy không chỉ ép buộc mà còn phá hủy cô bé Miu".

"Nếu chúng ta có một môi trường thoải mái và linh hoạt thì thảm kịch như của em Miu có thể đã tránh được".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước