Singapore - chiến lược dịch chuyển đầu tư vào ASEAN

Lê Dũng - Mạnh Hà (Thường trú Đài THVN tại ASEAN)-Chủ nhật, ngày 20/12/2015 21:20 GMT+7

VTV.vn - "Luôn đi trước thời đại" - chiến lược này đang được Singapore áp dụng cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.

Singapore - quốc gia từ lâu đã trở trành một trung tâm kinh tế năng động của ASEAN và thế giới. "Luôn đi trước thời đại" - chiến lược này đang được Singapore áp dụng cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Ít ai biết rằng các doanh nghiệp tại Quốc đảo sư tử đã vạch ra lộ trình đầu tư kinh doanh của mình trong ASEAN cho nhiều năm tới và cho từng ngành nghề cụ thể, khi Cộng đồng ASEAN thực sự hoạt động.

Theo ghi nhận của phóng viên Lê Dũng - Mạnh Hà thường trú Đài THVN tại ASEAN, theo các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Singapore, đến năm 2030, nền sản xuất của Singapore sẽ có mức độ tăng trưởng cao hơn 9,5%/năm so với việc không có AEC. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, tác động của AEC đến hoạt động sản xuất của Singapore sẽ chỉ diễn ra chậm trong vòng 10 năm tới, bởi vì Singapore vốn dĩ đã là một thương cảng tự do và có trình độ phát triển cao hơn hẳn các nền kinh tế ASEAN khác.

Trong điều kiện suy thoái thương mại toàn cầu trên diện rộng hiện nay, rất nhiều công ty của Singapore muốn mở rộng giới hạn sản xuất tại các thị trường giá rẻ để bảo toàn lợi nhuận. Vì thế, trước mắt, các nhà đầu tư Singapore sẽ tìm kiếm ở thị trường ASEAN những cơ hội về lợi thế cạnh tranh, về chuyên môn hóa và về nguồn nhân lực. Cụ thể, đối với những dây chuyền sản xuất không yêu cầu lao động tay nghề cao nhưng cần đầu tư mặt bằng sản xuất, ví dụ như dệt may, các công ty Singapore sẽ đầu tư ưu tiên vào các thị trường như Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, các công ty Singapore cũng sẽ tìm cách tiếp cận các nguồn nhân lực của các nước khác trong khu vực, do Singapore hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài trong khi tỷ lệ sinh nội địa giảm khiến Singapore luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực.

Ông Ivan - Giám đốc Nhóm ASEAN, IE Singapore - cho biết: "Việt Nam có lao động trẻ dồi dào. Đó là nguồn nhân lực lớn. Khi các công ty Singapore đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam, họ sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn nhân lực này. Đó là một lợi thế khi Singapore vẫn thiếu nhân lực".

Bên cạnh các xu hướng phát triển trên, doanh nghiệp Singapore cũng sẽ vẫn giữ hoạt động đầu tư tại sân nhà, đối với các ngành nghề có giá trị thặng dư cao, yêu cầu chặt chẽ về sở hữu trí tuệ như dược phẩm và điện tử theo hướng chuyên môn hóa cao giữa các địa bàn ASEAN.

Ông Ong Keng Yong - Đại sứ lưu động Singapore - cho biết: "Thực tế, nếu nhìn kỹ vào các thị trường trong ASEAN, ta sẽ thấy một sự chuyên môn hóa. Ví dụ, công ty Singapore sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử nhưng chúng tôi sẽ không trực tiếp gia công, lắp ráp. Công ty Singapore sẽ thiết kế tại Singapore, phần sản xuất các bộ phận và lắp ráp sẽ được diễn ra ở Malaysia hoặc Việt Nam".

Bên cạnh chiến lược đầu tư vào sản xuất tại các nước ASEAN, thị trường với hơn 600 triệu dân cũng sẽ là một khu vực tiêu thụ rộng lớn cho các nhà sản xuất Singapore. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra cũng sẽ dễ dàng hơn và rẻ hơn vì các nhà đầu tư đã có thể tiết kiệm được tối đa chi phí về vận chuyển cũng như tiền kho bãi.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Từ khóa:

ASEAN, Singapore

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước