Thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều loại biến thể mới

An Ngọc-Thứ ba, ngày 30/11/2021 11:02 GMT+7

VTV.vn - Theo giới khoa học, thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều loại biến thể mới do virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng tiến hóa.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron được xem hồi chuông cảnh báo, phơi bày tình trạng tình trạng bất bình đẳng vaccine và ngại tiêm chủng - những trở ngại khiến cuộc chiến chống COVID-19 thêm khó khăn và kéo dài.

Bất bình đẳng vaccine là vấn đề được nhắc đến suốt thời gian qua, khi nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới đã dành cả năm để tích trữ vaccine COVID-19, nhiều hơn nhu cầu dân số của mình trong khi lời hứa chia sẻ vaccine cho các nước nghèo vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn.

Theo cảnh báo của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, các nước phương Tây có thể phải vứt bỏ 100 triệu liều vaccine chỉ trong vài tuần tới do người dân không tiêm hết, trong khi đó chỉ 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, bất bình đẳng vaccine chính là cách tự thua trong cuộc chiến chống COVID-19. "Các biến thể mới là một lời nhắc nhở rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Bất bình đẳng vaccine chính là điều sẽ kéo dài đại dịch", ông Jeremy Farrar - Giám đốc quỹ Wellcome Trust, Vương quốc Anh nói.

Thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều loại biến thể mới - Ảnh 1.

Các nhà khoa học nhận định, virus có nhiều khả năng đột biến ở những nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp và nguy cơ lây nhiễm cao. Các biến thể xuất hiện trong quá khứ đều xuất phát từ những nơi từng trải qua các đợt bùng phát lớn, không kiểm soát được, như biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 12 năm ngoái, hoặc biến thể Delta lần đầu tiên tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 2 năm nay. Và lần này là biến thể Omicron được xác định lần đầu ở Nam Phi.

Trong số 8 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm du lịch liên quan đến biến thể Omicron, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana. Các nhà khoa học cho biết, sự xuất hiện của các biến thể mới là hệ quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm.

Mục tiêu của WHO là có 40% dân số của tất cả các quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm 2021, đến giữa năm tới là 70% vào giữa năm. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như đã nằm ngoài tầm với. Do đó, thế giới cần phải tăng tốc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng vaccine để ngăn chặn những biến thể mới như Omicron xuất hiện.

Cảnh giác trước biến thể mới của SARS-CoV-2 Cảnh giác trước biến thể mới của SARS-CoV-2

VTV.vn - Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể mới B1.1.529 với vaccine ngừa COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước