Xu thế hòa giải trong chính sách đối ngoại: Củng cố vị trí và lợi ích của Mỹ

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 26/07/2015 11:34 GMT+7

TS Nguyễn Ngọc Trường trở thành khách mời của chương trình Toàn cảnh thế giới.

VTV.vn - Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế tại Việt Nam khi bàn về chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay.

Tuần qua, một sự kiện mang tính biểu tượng trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã diễn ra. Đó là việc đại sứ quán Mỹ và Cuba mở cửa trở lại ở thủ đô mỗi nước vào ngày 20/7 vừa qua. Sự kiện được thế giới hoan nghênh là thắng lợi của tinh thần hòa giải, khép lại quá khứ đầy thăng trầm giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, thế giới cũng đã chứng kiến những bước đi của cộng đồng quốc tế nhằm mở đường cho thỏa thuận lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 vào thực thi. Hai sự kiện lớn này đã ghi đậm dấu ấn của chính sách đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiến hành. Với hai đất nước từng được coi là đối thủ của Mỹ, ông Obama đã chọn cách đối thoại và can dự để tạo ra những thay đổi.

Mỹ, Cuba chính thức mở cửa trở lại Đại sứ quán Mỹ, Cuba chính thức mở cửa trở lại Đại sứ quán

VTV.vn - Sau hơn 50 năm gián đoạn, hôm nay (20/7), Mỹ và Cuba chính thức mở cửa trở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran và nhóm P5+1 - Sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran và nhóm P5+1 - Sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần

VTV.vn - Tuần qua, thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý. Nổi bật trong đó là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1.

TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế tại Việt Nam cho rằng: “7 tháng là khoảng thời gian kỷ lục để lấp lại khoảng trống thù địch và bất thường giữa Mỹ và Cuba những năm qua. Tiến trình diễn ra nhanh vì cả hai bên đều thấy đó là việc làm cần thiết. Nhưng trong việc này, Mỹ có nhu cầu đẩy mạnh tiến trình lớn hơn bởi Cuba là nước có ảnh hưởng và uy tín cao ở Mỹ Latin. Trong lúc Trung Quốc đang thâm nhập vào khu vực này, Mỹ phải tìm cách để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Còn về mục tiêu thỏa thuận với Iran, việc kiểm soát vũ khí hạt nhân chính là một trong những trọng điểm của chính sách đối ngoại của ông Obama. Hơn nữa, mọi vấn đề ở Trung Đông sẽ không thể giải quyết được nếu không có Iran”.

TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế tại Việt Nam.

TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế tại Việt Nam.

Ngoài ra, Tổng thống Obama còn đang có chuyến công du tới Kenya và Ethiopia. Điều này được coi là đang làm dày thêm cho di sản đối ngoại ấn tượng của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ cuối cùng. Đồng thời, chuyến đi thể hiện là Mỹ đang muốn tái định hình quan hệ với châu Phi, một châu lục mà ông Obama cho rằng sẽ tạo ra động lực của tăng trưởng kinh tế trong tương lai, bất chấp những khó khăn hiện tại như mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, trình độ phát triển thấp.

TS Nguyễn Ngọc Trường nhận định: “Đây là chuyến đi quan trọng bởi châu Phi là một khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đặc biệt, ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây đang ngày càng tăng và các nước khác cũng tham gia gây ảnh hưởng. Trong khi, châu Phi là một trong bốn trọng điểm đối ngoại của Tổng thống Obama trong những năm gần đây. Ông Obama đã có 4 chuyến đi tới châu Phi nhưng chưa đạt được điều gì nên mục tiêu là muốn tiếp tục gia cố thêm hiệu quả của chính sách. Vì thế, chuyến đi tới châu Phi lần này nhằm giúp ông Obama củng cố thêm lợi ích và hiệu quả đối ngoại của Mỹ”.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và cơ hội cho Kenya Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và cơ hội cho Kenya

VTV.vn - Đối với các doanh nghiệp Kenya, họ hi vọng, chuyến thăm lần này của ông Obama, dù ngắn ngủi nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế tại nước này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trường cũng nhấn mạnh: “Có thể nói, chính sách đối ngoại của Mỹ mang xu thế hòa giải. Nhưng tôi muốn gọi xu thế là nỗ lực để tháo gỡ những nút thắt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là cách tiếp cận mới vì những cách tiếp cận thù địch trước đây không mang lại hiệu quả. Muốn tháo gỡ nút thắt, đòi hỏi phải có đối thoại, đi kèm với đối thoại phải có thỏa hiệp nhượng bộ. Nhưng hòa giải hay nhượng bộ lại không phải mục tiêu của chính sách mà chỉ là biện pháp trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Bởi có thể thấy, hiện nay Mỹ mới đang tháo gỡ những nút thắt để mang lại lợi ích cho quốc gia này, nhằm củng cố vị trí ở những nơi mà ảnh hưởng của Mỹ đã bị suy yếu đi nhiều”.

Trong thời điểm đang có nhiều thế lực đang nổi lên mạnh mẽ, chính sách mềm và cách thể hiện quyền lực mềm của Mỹ được nhìn nhận là cách mang lại hiệu quả nhất định. Mặc dù những bước đi lịch sử mà chính quyền của Tổng thống Obama đang tiến hành với Cuba và Iran sẽ phải mất nhiều năm mới tạo ra “quả ngọt”, nhưng một phương châm trong chính sách đối ngoại của ông Obama đã được thực hiện, đó là hãy cho đối thoại một cơ hội, dù là đối thoại với kẻ thù. Dù đằng sau xu hướng ngoại giao này mang mục đích như thế nào, nhằm tạo dấu ấn cá nhân hay vì những lợi ích lâu dài của nước Mỹ thì việc thêm bạn bớt thù, tháo gỡ những căng thẳng trong quan hệ quốc tế bao giờ cũng là điều được cả thế giới ghi nhận.

Để theo dõi toàn bộ những nhận định của TS Nguyễn Ngọc Trường về xu thế hòa giải trong chính sách đối ngoại của Mỹ, mời quý vị và các bạn theo dõi qua video Toàn cảnh thế giới dưới đây:

 

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước