Đào tạo văn hoá cho VĐV, nhiều cái khó

Hoàng Giang – Thanh BìnhCập nhật 07:26 ngày 18/10/2013

 Câu chuyện về việc học văn hóa cho các vận động viên đã được người ta nói đến từ lâu, nhưng cũng chừng đó thời gian mọi thứ vẫn chỉ đang dừng lại ở mức quan tâm, còn hiệu quả thì không nhiều. Ngay cả những trường học dành riêng cho các vận động viên đã hoạt động hơn 10 năm nhưng cho đến bây giờ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2002, Sở Thể dục Thể thao thành phố (nay là Sở Văn hóa - Thể Thao – Du lịch) phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo thành lập Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục – Thể thao. Nhiệm vụ của ngôi trường này là trang bị kiến thức ở trình độ trung học phổ thông cho các VĐV năng khiếu các tuyến của thành phố.

‘ Một lớp tin học tại Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục – Thể thao T.p Hồ Chí Minh

Cũng vì đặc thù của các VĐV là phải thường xuyên tập luyện, thi đấu hoặc có khi phải tập huấn ở nước ngoài nên nhiều lúc, thầy cô của trường phải sang tận nơi các em đang ở để giúp các em theo kịp chương trình. Còn chuyện một lớp vắng hơn quá nửa mỗi khi có giải thì không hề hiếm đối với trường Năng khiếu Thể dục Thể thao.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao T.P Hồ Chí Minh chia sẻ: "Các em ở đâu đôi khi trùng thời gian về tập huấn hay thi đấu nên có những buổi chỉ có một vài em đi học nhưng chúng tôi vẫn giảng dạy cho những em không đi thi đấu, tập huấn. Sau đó, những em đi thi đấu, tập huấn về, chúng tôi sẽ tập trung lại để ôn tập để giúp các em theo kịp chương trình trong các kỳ thi".

Phải tập luyện và phải đi thi đấu nhưng các VĐV vẫn phải hoàn thành một chương trình học nặng không kém gì các học sinh bình thường khác.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu cho biết thêm: "Thật ra chương trình học hiện nay của một VĐV cũng nặng chẳng kém một học sinh bình thường. Như vậy, nếu chúng ta đề nghị cắt bỏ một số môn cũng là điều khó khăn. Bởi qua quá trình nghiên cứu, tất cả các môn học đều cần thiết cho cuộc sống của các em sau này. Vậy nên chăng, chúng ta có những chế độ đãi ngộ hay ưu đãi cho các em đạt được những thành tích trong thể thao bằng việc miễn cho các em thi tốt nghiệp hoặc được tuyển thẳng vào các trường thể thao".

Ngoài việc chưa có chương trình học phù hợp với đối tượng học sinh là VĐV một vấn đề nữa cần phải lưu ý đó là sự phối hợp giữa nhà trường và bộ môn. Mỗi học kì, trường năng khiếu đều gởi bảng điểm của các VĐV về cho HLV. Tuy nhiên kết quả học tập thường không ảnh hưởng đến việc tập luyện nên vô hình chung tạo nên tâm lý chủ quan cho VĐV. Như vậy việc học văn hóa chỉ mang tính đối phó. Do vậy, các VĐV cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học văn hoá đối với cuộc sống của bản thân mình.

Em Đặng Hồng Kiên, VĐV môn quần vợt chia sẻ: "Em cố gắng học để sau này theo đuổi nghề nào đó nếu không còn làm VĐV".

Có thể thấy, việc TP.HCM có trường học dành riêng cho VĐV là một tín hiệu tích cực. Nó ít nhiều cho thấy sự quan tâm đầu tư của thành phố đến tương lai của các VĐV sau này. Tuy nhiên để các VĐV nhìn nhận tầm quan trọng của việc luyện tập văn hoá không kém gì việc luyện tập thể thao thì nỗ lực của nhà trường là chưa đủ.

Quý vị và các bạn có thể theo dõi video dưới đây để hiểu rõ hơn câu chuyện kể trên:

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1