Khó khăn của bắn cung Việt Nam trong công tác đào tạo trẻ

Diệu Chi - Việt AnhCập nhật 07:00 ngày 07/08/2013

 Đào tạo các vận động viên trẻ là một công tác bắt buộc của các bộ môn thể thao nhưng không phải lúc nào các bộ môn cũng gặp thuận lợi. Bắn cung là một trong số đó.

Giải Vô địch bắn cung trẻ toàn quốc đang khởi tranh tại Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội là dịp để BTC đánh giá lại chất lượng thi đấu của các vận động viên, từ đó tìm kiếm những gương mặt trẻ có những thành tích xuất sắc trong giải đấu lần này để bổ sung vào đội tuyển bắn cung quốc gia. Nhiệm vụ của đội tuyển quốc gia rất hợp lý. Tuy vậy, công tác đào tạo trẻ ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn.

‘ Bắn cung Việt Nam đang gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo VĐV trẻ. (Ảnh: V.S.I)

Để trở thành VĐV bộ môn bắn cung, họ phải trải qua vòng sơ tuyển khá khắt khe về chỉ số hình thể, điều đầu tiên là chiều cao của họ phải phù hợp với bộ môn.

Ông Đinh Trí Dũng, HLV trưởng đội tuyển bắn cung Việt Nam chia sẻ: “Theo tiêu chuẩn, nam phải cao 1m80, nữ là 1m70. Như vậy, sải tay sẽ là đòn bẩy và các VĐV cao sẽ có lợi thế hơn, đòn bẩy tốt, lực mạnh, độ chính xác cao”.

Trong khi đó, HLV Đỗ Văn Duy, Đội tuyển trẻ bắn cung Việt Nam cho biết thêm: “Chiều cao và thể lực của VĐV rất cần thiết phải phù hợp với nội dung bắn cung. Ví dụ VĐV bắn cung cần thể lực có sức bền, chiều cao không được thấp quá, tỉ lệ sải tay và thân người có những thông số do HLV nghiên cứu theo chỉ số nhất định”.

Rõ ràng, với chiều cao 1m80 đối với nam, 1m70 đối với nữ, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn cho công việc của mình. Bởi bấy lâu nay, chế độ cho các VĐV chưa thực sự tốt để họ yên tâm gắn bó với thể thao. Đã có trường hợp, trung tâm đào trẻ tìm được VĐV theo đúng tiêu chuẩn của bộ môn, có tiềm năng nhưng không giữ được bởi sự tư vấn của gia đình.

HLV Đỗ Văn Duy chia sẻ: “Việc đối đãi với VĐV về sau này chưa được tốt lắm nên gia đình người ta có điều kiện một tí, người ta sẽ nghĩ là nghỉ để đi học hoặc đi làm một cái gì đấy, đó cũng là một khó khăn cho công tác đào tạo huấn luyện. Khi VĐV đang chuẩn bị lên thành tích cao thì người ta lại nghỉ ngang, đó là việc rất khó khăn trong công tác huấn luyện”.

Hệ thống đào tạo cũng chưa được chuyên nghiệp. Đối với những VĐV trẻ của 1 số quốc gia mạnh về bắn cung như Hàn Quốc, khi được tuyển vào những trung tâm, các em đã được tiếp xúc với cung và tên. Đối với các cung thủ trẻ của Việt Nam thì sao?

HLV Đỗ Văn Duy cho hay: “Từ trước tới giờ mình chưa có hệ thống đào tạo cơ bản giống như nước ngoài, mình hay lựa chọn những giai đoạn ban đầu như tay không, dần dần mới lên cung tên thi đấu. Ví dụ như Hàn quốc là cường quốc của bắn cung thì họ cho tập những máy móc, thiết bị gắn vào người, kiểm tra chỗ nào sai sót, đưa lên máy tính, đấy cũng là một cách áp dụng khoa học. Còn ở Việt Nam thì phương pháp tập luyện hoàn toàn bằng thủ công, nhìn bằng mắt thường và theo kinh nghiệm của các HLV đi trước”.

Muốn có thành tích tốt, đòi hỏi các cung thủ phải có quá trình tập luyện lâu dài. Theo lộ trình, các em phải tập luyện từ 3 đến 4 năm, thậm chí nhiều hơn mới có thể nâng cao trình độ, kỹ năng thi đấu của mình tại các giải đấu trong nước. Khó khăn như vậy nên việc tìm tài năng trẻ cho đội tuyển quốc gia là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện trên, quý vị và các bạn có thể theo dõi phóng sự dưới đây của VTV:

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1