Niềm vui đến muộn với cựu đô vật Lê Thị Huệ

Diệu Chi - Đức ThắngCập nhật 09:07 ngày 26/07/2013

 Nhắc đến nữ đô vật Lê Thị Huệ, người hâm mộ nhớ đến một câu chuyện buồn về cô. 10 năm trở về trước, chỉ một cú ngã trên sàn tập, Huệ bị liệt nửa người. Cũng từ đó, nữ đô vật gốc Thanh Hoá đã phải vật vã chống chọi với chấn thương trong sự cưu mang của bạn bè, gia đình.

Sau nhiều lần dư luận lên tiếng về trường hợp của cựu đô vật Lê Thị Huệ, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đã vào cuộc. Cách đây 2 hôm, Huệ đã được điều trị tại Bệnh viện Thể thao miễn phí. Việc làm tuy muộn nhưng vô cùng ý nghĩa đối với cô.

Cô gái một thời được xem là tài năng của ĐT vật Việt Nam, từng được ví là tài sản quý của thể thao nước nhà, giờ đây chỉ còn biết làm bạn với đôi nạng. Để đi được những bước chân khó nhọc như thế này, 10 năm qua Huệ đã phải vật lộn tập luyện, đổ mồ hôi và nước mắt mới tự đứng dậy được như ngày hôm nay.

‘ Lê Thị Huệ trong những ngày điều trị tại Bệnh viện Thể thao. (Ảnh: VSI)

Lê Thị Huệ chia sẻ: “10 năm qua, em phải chống chọi với chấn thương một mình, chỉ có mẹ giúp đỡ. Có những lúc em đã nản, nhưng em nghĩ rằng mình phải đứng dậy, phải cố gắng mới đi được như ngày hôm nay”.

Ban đầu, khi Huệ dính chấn thương nặng. Không thể phủ nhận, cô đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ và ngành thể dục thể thao cũng không bỏ rơi cô. Thế nhưng, sự quan tâm đó đã bị mai một theo thời gian. Khi dư luận lên tiếng về sự lãng quên đó, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới vào cuộc. Giờ đây, Huệ đã được chữa trị miễn phí tại Bệnh viện Thể thao.

Huệ cho biết: “Em rất hạnh phúc khi được Tổng cục TDTT đưa em lên Hà Nội chữa trị, em không biết nói gì hơn. Hồi trước em tự tập một mình, bây giờ em được tập những bài tập của bác sĩ, y sĩ. Em hy vọng e sẽ hồi phục nhanh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao chia sẻ: “Chúng tôi khinh ngạc với khả năng phi thường của Huệ. Từ một người liệt nửa người mà bây giờ đã đi được như thế này quả là điều thần kỳ. Tuy vậy, Huệ cần được chăm sóc tốt hơn, chúng tôi sẽ có những kế hoạch cụ thể trong việc chấn thương cho Huệ”.

Việc Huệ được chữa trị miễn phí trong thời gian tới có thể quá chậm so với 10 năm cô chống chọi với bệnh tật. Nhưng ít ra, điều đó cũng mở ra cho Huệ một cơ hội mới để tiếp tục sống và dần quên đi một quá khứ buồn. Sau hai ngày nhập viện. Các bác sĩ đầu nghành của Bệnh viện Thể thao đã bắt đầu nghiên cứu những di chứng chấn thương của Huệ, rồi từ đó có những phác đồ điều trị cho Huệ.

Ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm: “Chúng tôi đã xem lại chấn thương của Huệ. Huệ cần có phác đồ điều trị cụ thể trong thời gian tới”.

Còn với Huệ, chi phấn khởi cho biết: “Hồi ở nhà, Huệ tự học cách chữa trị cho mình, những bài tập cũng do một tổ chức y tế giúp Huệ. Nhưng khi lên đây, Huệ có những bài tập rất khác, tập nặng hơn, phải có người giúp đỡ. Huệ rất tin tưởng với cách điều trị mới này. Huệ sẽ hồi phục chức năng nhanh nhất”.

Niềm vui đến muộn, nhưng dù sao có còn hơn không. Một cựu vận động viên không may bị chấn thương nặng, sớm từ giã sự nghiệp, sống vất vả nhưng đã được quan tâm là một việc làm cần thiết. Như thế, thể thao mới không mang tiếng là vắt chanh bỏ vỏ, là thiếu tính nhân văn trong hành xử. Từ đó, nhiều thế hệ VĐV sau này trông vào câu chuyện của Huệ, sẽ đặt trọn niềm tin cống hiến, nỗ lực, gắn bó với thể thao Việt Nam nhiều hơn.

Quý vị và các bạn có thể theo dõi chi tiết câu chuyện về Lê Thị Huệ qua video dưới đây:

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1