Tân vương V-League 2013: Dám nghĩ khác, làm khác

Theo Tuỳ Phong (TT&VH)Cập nhật 20:00 ngày 31/08/2013

 Chưa và có lẽ không bao giờ theo đuổi ngôi quán quân trên thị trường chuyển nhượng, nhưng HN.T&T luôn được biết đến như một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch ở mọi giải đấu.

Ở một hạng mục khác là kinh doanh quảng cáo và kêu gọi nhà tài trợ, HN.T&T cũng rất khác biệt.

Không sắm sao bằng mọi giá

“Nguyên tắc công việc không cho phép tôi tiết lộ giá trị các bản hợp đồng, nhưng nếu tôi nói ra số tiền lót tay để có chữ ký của Thành Lương, hẳn nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng. Rẻ, rẻ lắm! Văn Quyết cũng thế. Tôi cho rằng, giá trị sử dụng và giá trị (ảo) trên thị trường chuyển nhượng là không đồng bộ, với rất nhiều các ngôi sao tiền tỷ của bóng đá Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB HN.T&T, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.

“Khi chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng trong vụ Samson để ngăn một cuộc đào thoát, không hẳn vì HN.T&T cần tiền đạo người Nigeria đến độ như thế. Vấn đề là đội bóng chỉ làm đúng luật và Samson ngay vào thời điểm rời Đồng Tháp để về HN.T&T cũng không có giá triệu đô như đồn thổi.

Anh ấy chỉ nhận một phần lót tay cho bản hợp đồng có thời hạn nhiều năm và lương thưởng, cũng không cao hơn ngoại binh khác ở đội”, vẫn lời ông Hội.

‘ HN.T&T (trái) là đội bóng duy nhất ở V-League có nhà tài trợ áo đấu là một thương hiệu nước ngoài. Ảnh: VSI

Theo chia sẻ của ông Hội, HN.T&T sẽ không theo đuổi bất cứ ngôi sao nào hay cố giữ chân bằng mọi giá những tinh binh, bằng tiền. “Chúng tôi không thiếu tiền cho quỹ chuyển nhượng, nhưng HN.T&T sẽ không lao vào thị trường chuyển nhượng một cách mù quáng. Một ngôi sao tới với giá ngất ngưởng rất dễ phá vỡ cấu trúc của đội bóng, khi sự ổn định luôn là tiêu chí mà HN.T&T theo đuổi”, ông Hội cho biết thêm.

Đó có thể là lý do Phước Tứ (cầu thủ có giá chuyển nhượng 12 tỷ đồng về XMXT.SG-PV) đã không chọn Hàng Đẫy làm bến đỗ, dù HN.T&T đã và đang rất khát một trung vệ đẳng cấp.

Và chuyện chiếc áo đấu hiệu Kappa

Nhiều người đã ngỡ ngàng, khi từ đôi ba năm qua, HN.T&T luôn ra sân với áo đấu hiệu Kappa, một thương hiệu thời trang thể thao nổi tiếng có xuất xứ từ Italia. Theo tiết lộ của ông Hội, riêng tiền tài trợ áo đấu mỗi mùa của HN.T&T cũng có giá cả tỷ đồng chứ không đùa. “Một bộ áo đấu có giá gốc khoảng 2 triệu đồng. Nhân lên chừng 6 bộ/mùa, chưa tính áo tập và các phụ kiện khác, nó là một số tiền lớn”, ông Hội nói.

“Tất nhiên, chúng tôi đã mất nhiều thời gian để thuyết phục Kappa tài trợ áo đấu. Vấn đề kinh doanh không hề đơn giản, giống như việc kêu gọi các nhà tài trợ khác, rồi chuyện bán biển quảng cáo trên sân.

Có thể so với ngân quỹ phải bỏ ra hàng năm để nuôi đội bóng, tiền kiếm được chẳng là bao, nhưng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đấy là những gói kích cầu cần thiết cho mô hình chuẩn một CLB chuyên nghiệp, chứ không thể mang tiếng ăn bám mãi”.

Nếu như phần lớn các CLB ở V-League (chứ không nói hạng Nhất) đều dùng đồng phục thi đấu được sản xuất trong nước, với giá chỉ vào khoảng 110.000 đồng-170.000 đồng (chưa in), thì việc HN.T&T đã kết thân với Kappa là một bước đột phá.

Đầu mùa giải năm nay, thiếu chút nữa XMXT.SG đã không có áo mặc, vì thiếu tiền một xưởng may ở TP.HCM từ năm ngoái, nên họ quyết định không giao hàng. Chuyện thật như bịa!

Khi tiền bản quyền truyền hình đáng ra phải là nguồn thu chính của các CLB chuyên nghiệp vẫn chưa biết tròn méo thế nào, thì tiền bán vé, bán bảng quảng cáo và cả bán tài trợ trên áo đấu…, là rất cần thiết. Chỉ có điều, mấy đội bóng nghĩ và làm được điều này, dù họ có đủ điều kiện cần.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1