Thể thao Việt Nam tại AIMAG 2013: Bài học từ những thất bại

Theo Bình Minh (Thể thao & Văn hóa)Cập nhật 07:32 ngày 12/07/2013

 Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) lần 4 năm 2013 được xem là kỳ Đại hội thành công của đoàn thể thao Việt Nam khi giành được 8 HCV, 7 HCB,12 HCĐ và xếp thứ 3 toàn đoàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, thể thao Việt Nam cũng cần rút ra bài học cần thiết sau những thất bại đáng tiếc.

1. Tham dự 11/ 12 môn thi, đoàn thể thao Việt Nam có 8 môn giành được huy chương tại AIMAG 4. Trong số 8 môn thi này, có lẽ billiards & snooker, cờ vua và muay là những môn để lại nhiều sự tiếc nuối nhất. Nếu các VĐV ở 3 môn này thi đấu bình tĩnh hơn thì thành tích cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam tại AIMAG 4 có thể vượt qua con số 10 HCV.

Có thể nói, AIMAG 4 là kỳ Đại hội mang lại nhiều sự tiếc nuối và thất vọng nhất cho ĐT billiards & snooker Việt Nam. Trước thềm AIMAG 4, billiards & snooker được kỳ vọng sẽ mang về cho đoàn thể thao Việt Nam ít nhất một HCV. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ là 3 HCB và 2 HCĐ.

‘ Dù được xếp hạt giống số một nhưng Quang Liêm đã thi đấu không thực sự thành công ở AIMAG 4. (Ảnh: V.V)

Trong số những gương mặt được kỳ vọng là nhà vô địch châu Á 2012 nội dung carom một băng Ngô Đình Nại; HCV SEA Games 26 carom 3 băng Nguyễn Quốc Nguyện, Mã Minh Cẩm, Mã Xuân Cường, Nguyễn Thanh Bình hay Nguyễn Thành Long, thì Ngô Đình Nại (HCB carom một băng) là cái tên để lại nhiều sự thất vọng nhất, đặc biệt là với những gì mà tay cơ này đã thể hiện trong trận chung kết carom một băng.

Tại nội dung sở trường, cơ thủ sinh năm 1981 này được đánh là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc HCV. Trong suốt các trận đấu tại nội dung này, Đình Nại tỏ ra quá mạnh so với các tay cơ còn lại.

Trong các trận đấu tại vòng loại, tứ kết hay bán kết, nhà vô địch châu Á 2012 đều có những chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, trong trận chung kết với tay cơ chủ nhà Hàn Quốc Hwang Durkhee không được đánh giá cao, Đình Nai lại thi đấu quá chủ quan, đặc biệt là ở thời điểm cuối trận, để rồi phải nhận thất bại một cách đáng tiếc.

Trong khi đó, ở trận chung kết carom 3 băng, mặc dù đã chơi rất hay trước nhà vô địch châu Á 2007 Umeda Ryuji (Nhật Bản), nhưng Nguyễn Quốc Nguyện lại bị tâm lý vào những thời điểm quyết định để rồi bại trận với điểm số 39-40.

Bên cạnh những sự thất vọng ấy thì chiếc HCB billiards Anh của Nguyễn Thanh Bình được xem là một thành công ngoài mong đợi. Với những gì có được tại AIMAG 4, đặc biệt là thất bại trong trận chung kết trước nhà vô địch châu Á Chaithanasakun Praprut của Thái Lan, Thanh Bình sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để chuẩn bị cho môn billiards Anh tại SEA Games 27.

2. Ở môn cờ vua, dù ĐT Việt Nam giành được HCV cờ chớp ở ngày thi đấu cuối cùng, nhưng nếu nhìn lại những gì sau 7 ngày thi đấu, có thể nói cờ vua Việt Nam đã chơi dưới sức tại AIMAG 4.

Với đội hình được xem là mạnh nhất trong những năm gần đây, bao gồm Quang Liêm, Trường Sơn, Đức Hòa, Thảo Nguyên, Bảo Trâm và Thanh An, cờ vua Việt Nam được đánh giá là một trong những ĐT mạnh nhất tại AIMAG 4.

Tuy nhiên, những gì mà các kỳ thủ Việt Nam làm được chỉ là bảo vệ thành công chiếc HCV cờ chớp tại Asian Indoor Games 3 (AIG 3). Trong khi đó, cờ tiêu chuẩn Việt Nam đã có một AIMAG 4 thất bại toàn diện khi không có một kỳ thủ nào có mặt trong tốp 10.

Thất vọng nhất có lẽ kỳ thủ số một Việt Nam Lê Quang Liêm. Dù được xếp hạt giống số một và chỉ gặp các đối thủ kém mình đến hơn 100 elo, nhưng sau khi kết thúc 7 ván đấu, vị trí chung cuộc của nhà vô địch thế giớ cờ chớp 2013 chỉ là hạng 11.

Như vậy, sau giải vô địch châu Á (hạng 4) hồi tháng 5, AIMAG 4 là giải đấu thứ 2 mà Quang Liêm thi đấu “tụt dốc” ở nội dung cờ tiêu chuẩn. Nếu không kịp lấy lại phong độ thì sẽ rất khó để Quang Liêm có được thành tích tốt tại World Cup (Na Uy) vào tháng 8 tới.

3. Bên cạnh billiards & snooker và cờ vua, muay cũng là môn thi mang lại nhiều sự tiếc nuối cho đoàn thể thao Việt Nam tại AIMAG 4. Trong 2 trận chung kết với các võ sĩ đến từ Thái Lan, Phan Thị Ngọc Linh và Bùi Yến Ly đã để tuột mất HCV sau những thất bại đáng tiếc.

Tại SEA Games sắp tới, đối thủ chính của muay Việt Nam vẫn là Thái Lan. Bài học tại AIMAG 4 phần nào sẽ giúp ích cho các võ sĩ Việt Nam trong những cuộc tái đấu với đối thủ Thái Lan trên đất Myanmar

Trong khi đó, đối với futsal nam, AIMAG 4 chỉ là sân chơi mang tính cọ xát nhưng đã để lại một sự tiếc nuối khó vơi. Thành tích 1 thắng và 1 hòa (xếp thứ 2 bảng C) tại AIMAG 4 được xem là thành công ngoài mong đợi của futsal Việt Nam. Thế nhưng, futsal Việt Nam đã không thể lọt vào tứ kết chỉ vì thua “cái quyền” chủ nhà của Hàn Quốc.

Tại môn futsal nam AIMAG 4, trong khi 6/7 bảng có 3 đội thì Hàn Quốc lại nằm ngay ở bảng duy nhất có 4 đội (bảng A). Chính vì thi đấu tới 3 trận nên Hàn Quốc (có được 6 điểm) đã vượt qua Việt Nam (2 trận 4 điểm) để lọt vào vòng trong với tư cách là đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Trong thi đấu thể thao, thất bại là chuyện bình thường nhưng quan trọng bài học rút ra sau những thất bại ấy. Đối với đoàn thể thao Việt Nam, thất bại ở những môn cờ vua, billiards & snooker, muay hay futsal tại AIMAG 4 có thể xem là những bài học cần thiết, giúp các VĐV Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm ở các giải đấu lớn trong thời gian tới, mà gần nhất là SEA Games 27 vào cuối năm.

U23 Thái Lan vs U23 Ả-rập Xê-út | Cuộc chiến ngôi đầu | 22h30 ngày 19/4 trực tiếp trên VTV5 Tây Nam Bộ

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Cùng có được chiến thắng ở trận ra quân nên cả U23 Thái Lan và U23 Ả-rập Xê-út đều quyết tâm giành 3 điểm để sớm có tấm vé vào vòng trong.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1