Người nuôi tôm neo hàng chờ giá: Lợi bất cập hại

Huỳnh Tâm-Thứ sáu, ngày 04/10/2013 17:13 GMT+7

 Ngoài yếu tố dịch bệnh, sự cạnh tranh từ các thương lái nước ngoài, việc người nuôi tôm neo hàng chờ giá đã tạo sức ép khá lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến cả ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Đến hết tháng 9/2013, diện tích thả tôm nuôi của Cà Mau đạt gần 267.000ha, sản lượng thu hoạch trên 100.000 tấn, chiếm chưa tới 78% kế hoạch của năm. Nông dân trong tỉnh cho biết, nếu như 2012, giá tôm sú chỉ dừng ở mức 170.000 đồng/kg tùy loại thì hiện con số này đã lên gần 240.000 đồng/kg. So với cách đây 2 tháng thì mức giá này đã tăng trên 40.000 đồng. Giá tôm tăng liên tục, thay vì bán thì không ít nông dân lại mạo hiểm neo hàng để chờ giá.

‘ Không ít nông dân mạo hiểm neo hàng chờ giá (Ảnh minh họa)

Hệ lụy của việc neo hàng đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng bế tắc về nguyên liệu xuất khẩu. Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, một trong những đơn vị chịu khá nhiều sức ép về tôm nguyên liệu, việc nông dân neo hàng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tìm ẩn nhiều rủi ro cho chính người nuôi tôm một khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là giá cả quay đầu xuống thấp.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, TP Cà Mau cho biết: “Nông dân cứ nghĩ giá tăng là sẽ tiếp tục tăng và họ đã neo tôm lại. Điều này rất nguy hiểm vì hiện hầu hết các doanh nghiệp sẽ hoàn thành đơn hàng trước ngày 15/10 cho các nước nhập khẩu. Sau thời gian hết đơn hàng, doanh nghiệp không mua thì giá sẽ giảm xuống”.

Thực trạng trên buộc nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận thua lỗ để mua tôm nguyên liệu ở các tỉnh, thành khác nhằm đảm bảo đúng tiến độ giao hàng. Đây là điều nghịch lý, nhất là ở một địa phương có diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn như Cà Mau.

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng: “Bà con không nên có tâm lý găm hàng chờ tăng giá vì nó ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu. Xuất khẩu gặp khó thì doanh nghiệp và chính nông dân còn chịu thiệt”.

Tính đến thời điểm này, Cà Mau có đến 31/32 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng với công suất khoảng 30-40%. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Một khi mối liên kết này còn quá mờ nhạt thì câu chuyện thiếu - thừa tôm nguyên liệu hay những bất cập khác trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL sẽ chưa có hồi kết.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước