Vải thiều ngon chủ yếu xuất sang Trung Quốc?

Khuất Minh -Chủ nhật, ngày 23/06/2013 07:23 GMT+7

Hiện vải thiều loại 1 và 2 chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Internet

 Hiện tượng thương lái nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường nội địa, trực tiếp thu mua nông sản đã xảy ra ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương khẳng định, đây là những hành động vi phạm quy chế thu mua áp dụng cho thương lái nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu như nhìn câu chuyện này ở mùa thu hoạch vải Lục Ngạn, Bắc Giang có thể khẳng định, quy chế này của Bộ đã không đi vào thực tế do địa phương chưa đủ năng lực tổ chức bộ máy thu mua thay thế cho các thương nhân Trung Quốc.

Dọc quốc lộ 31, với hàng trăm điểm thu mua vải kéo dài tới gần 40km, không khó để bắt gặp các thương lái Trung Quốc đến tận Lục Ngạn để thu mua vải. Những thương lái Trung Quốc như ông Điền Học Giang thường có thị thực thời hạn 3 tháng. Trong suốt mùa vải, họ thường trực có mặt ở Lục Ngạn từ 30-40 ngày để thu mua trực tiếp vải thiều của dân. “Tôi ở Bắc Kinh, vì vậy họ chỉ ăn vải loại này và chúng tôi chỉ mua vải loại 1 thôi”, ông Điền Học Giang nói.

Để thuận lợi trong việc đóng gói và vận chuyển vải, các thương lái Trung Quốc thuê một trạm cân người Việt Nam. “Họ thu mua trực tiếp rồi nhờ mình mở tài khoản ở ngân hàng, sau đó chuyển tiền vào cho mình, nhờ mình giúp công thợ, gọi hàng, họ giám sát quả vải, sọt nào đẹp họ lấy, không đẹp họ bỏ ra, sau đó đóng thùng chuyển thẳng về cửa khẩu Tân Thanh”, anh Bùi Văn Anh, trạm cân phố Kép, Lục Ngan, Bắc Giang cho biết.

Loại vải duy nhất mà thương lái Trung Quốc lựa chọn là vải loại 1 được trồng theo quy trình chất lượng cao VietGap. Họ trực tiếp lựa chọn và thu mua cho dù giá loại vải này rất cao, giá bán tại vườn từ 28-30.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Út, người dân trồng vải xã Chão Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang nói: “Vải của gia đình chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, họ thích quả đẹp, to tròn, chất lượng cao. Mọi năm thương lái Trung Quốc thiếu hàng vẫn vào tận vườn để mua, nhưng năm nay gia đình tự chở ra các trạm cân để bán. Họ xem hàng rồi định giá thu mua trực tiếp và chỉ đặt điểm cân để nhờ người Việt Nam cân”.

Bộ Công Thương đã có quy chế quy định đối với các thương nhân nước ngoài thu mua nông sản tại Việt Nam, trong đó quy định việc thu mua nông sản phải do thương lái Việt Nam đảm nhận và chỉ được phép ký hợp đồng mua sản phẩm qua thương lái Việt Nam. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác và việc thu mua vải thiều của các thương lái Trung Quốc tại Lục Ngạn, Bắc Giang là một ví dụ điển hình. Sở Công Thương Bắc Giang thừa nhận, họ mới chỉ cấp rất ít giấy phép cho các văn phòng đại diện của các thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Ông Đào Xuân Cường, Phó GĐ Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: “Hàng năm trên địa bàn cũng có từ 100-200 thương lái Trung Quốc sang thu mua vải thiều, theo quy định, thương nhân nước ngoài không được thu mua trực tiếp hàng hóa của nông dân Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn một số ít thương nhân Trung Quốc thông qua các trạm cân trên địa bàn thỏa thuận cũng như giám sát hàng hóa của các đầu mối mà họ đã thuê cũng như trả giá các loại vải thiều để họ xuất khẩu về Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng chưa kiên quyết trong việc xử lý đối với trường hợp vi phạm”.

Từ chính quyền đến người dân Lục Ngạn đều khẳng định, 50% sản lượng vải Lục Ngạn được các thương lái Trung Quốc bao tiêu. Nếu như quy chế thu mua nông sản của thương lái nước ngoài được áp dụng như đáng ra phải vậy, Bắc Giang đang đứng trước bài toán khó, 50% sản lượng vải này sẽ được bao tiêu như thế nào khi chúng có giá cao hơn rất nhiều so với mặt bằng giá trong nước như hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước