Cấp phép khai khoáng – Khâu gây thất thoát lớn nhất

Nguyễn Sơn - Mạnh Cường-Thứ hai, ngày 10/11/2014 23:37 GMT+7

Ảnh minh họa

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cấp phép là một trong những khâu gây thất thoát lớn nhất trong ngành khai khoáng.

Từ hơn 10 năm nay, Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên tiến hành khai thác vật liệu làm xi măng tại khu vực gần cửa khẩu Tây Trang theo giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cấp… Trong khi đó, theo quy định của Luật Khoáng sản, cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác vật liệu này là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận đã cấp phép khai thác trái thẩm quyền, nhưng vẫn để sự việc rơi vào im lặng.

Theo giấy phép, Công ty xi măng Điện Biên chỉ được phép khai thác đá làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm của công ty này được bán ra thị trường để làm đá xây dựng thông thường. Công an tỉnh Điện Biên cho biết, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đình chỉ việc khai thác và bán đá trái phép này, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể.

Tại tỉnh Điện Biên, hiện có hơn 15 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản với hàng chục giấy phép đã được cấp. Trong đó chủ yếu là các mỏ đá, sỏi, than và kim loại chưa được thăm dò trữ lượng. Từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh Điện Biên chỉ thu được khoảng 50 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động khai khoáng.

Cũng như tỉnh Điện Biên, tại tỉnh Bình Định, hàng loạt mỏ titan được cấp phép khai thác mà không cần phải điều tra trữ lượng (cấp phép khai thác tận thu). Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có công cụ nào để kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế, mà vẫn phải dựa hoàn toàn vào chứng từ do doanh nghiệp tự kê khai để tính thuế. Điều đó lý giải vì sao các loại phí, thuế tài nguyên nộp cho ngân sách tỉnh rất thấp.

Theo nhiều chuyên gia, cấp phép là một trong những khâu gây thất thoát lớn nhất trong ngành khai khoáng. Một ví dụ tiêu biểu là mỏ vàng Đắc Sa ở tỉnh Quảng Nam. Dựa theo báo cáo địa chất do Công ty vàng Phước Sơn (85% vốn nước ngoài) trình lên, Bộ Công nghiệp (trước đây) đã cấp phép cho công ty này khai thác khai thác mỏ với trữ lượng là 7,2 tấn vàng.

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án than đồng bằng sông Hồng – Vinacomin cho biết: "Sau khi cấp phép một vài tháng, họ công bố trữ lượng là 10 tấn, tuy nhiên theo đánh giá của các nhà địa chất từng làm công tác thăm dò ở đó, trữ lượng vàng ở Phước Sơn, Quảng Nam khoảng 20 tấn, như vậy mình gần như mất không với họ".

Theo Báo cáo đánh giá Chỉ số quản trị tài nguyên của Tổ chức quốc tế “Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng” (EITI), Việt Nam đứng cuối cùng trong nhóm các quốc gia yếu kém về năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản.

Để nâng cao năng lực giám sát nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 203, quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Luật Khoáng sản 2010 cũng đã siết chặt hơn các tiêu chí và quy trình cấp phép khai thác. Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được bổ sung trong Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém tồn tại về giám sát nguồn thu từ hoạt động khai khoáng.

Thế nhưng, từ lâu không còn chủ trương Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để điều tra, khảo sát, thăm dò trữ lượng. Công đoạn này hoàn toàn được xã hội hóa, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm. Như vậy, quyền khai thác được đấu giá theo báo cáo trữ lượng của doanh nghiệp đưa ra nên hầu hết các chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng, việc cấp phép khai thác vẫn tiếp tục là khâu gây thất thoát lớn nhất.

Sau gần 1 năm thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu về cho ngân sách gần 500 tỷ đồng. Theo Viện Tư vấn phát triển, con số này là không đáng kể và đây chỉ là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải nộp để được quyền tiếp cận với mỏ và khai thác khoáng sản. Còn khả năng giám sát nguồn thu vẫn như cũ.

Sau đây phóng viên Tiêu điểm phân tích chi tiết vấn đề này:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước