Đào tạo tín chỉ - Bước đột phá mới ở trường CĐ Truyền hình

Đăng bởi Hoàng Lan (Trường Cao đẳng Truyền hình) 0 Bình luận

19 Tháng 6 2013

Trước sự bùng nổ của ngành truyền thông, cũng như xu thế đào tạo báo chí đa phương tiện với chất lượng ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới đã buộc các Học viện, nhà trường đang đào tạo Báo chí ở Việt Nam nói chung, trường CĐ Truyền hình nói riêng phải đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt về chất lượng nguồn nhân lực đào tạo.

Thực tế ấy đang là thách thức không nhỏ đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường phải không ngừng trau dồi kiến thức lý luận, năng lực sư phạm cũng như năng lực chuyên môn và thực tiễn báo chí. Phát huy tính chủ động, sáng tạo để thực sự làm chủ “bài giảng”, làm chủ các phương thức truyền thông hiện đại.

Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, tăng cường đầu tư trang, thiết bị phục vụ dạy và học.

Một trong những đổi mới quan trọng có tính chất đột phá ở trường CĐ Truyền hình, đó là từ năm học 2013-2014, nhà trường sẽ chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ thay cho phương thức đào tạo niên chế trước đây.

Thạc sỹ Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa PT-TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm giảng dạy

 

Phương thức đào tạo tín chỉ có sự gần gũi giữa người dạy và người học. Người học thực sự là trung tâm. Họ phải tự tìm hiểu, tự học, tự nghiên cứu tài liệu và làm rất nhiều bài tập thực hành. Giảng viên đóng vai trò là người nghiên cứu, tích lũy những kiến thức trọng tâm có giá trị thiết thực để cung cấp cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên làm được nghề.

Để chuẩn bị cho phương thức đào tạo này, trường CĐ Truyền hình có rất nhiều lợi thế về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất trang thiết bị cũng như môi trường cảnh quan đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo mới. Bởi từ nhiều năm qua, nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo phương châm “Rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, thực hiện việc đào tạo theo hướng rèn kỹ năng nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của ngành Báo chí”. Đây là hướng đào tạo có nhiều điểm phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ.

Xác định đổi mới theo hướng đào tạo tín chỉ phải bắt đầu từ đội ngũ giảng viên. Ngoài thời gian trực tiếp đứng lớp và hướng dẫn sinh viên làm các chương trình Phát thanh, Truyền hình, các tờ báo in và báo mạng nội bộ, các giảng viên còn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm tạo điều kiện cho đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; đặc biệt là đi thực tế, tham gia làm báo và học hỏi kinh nghiệm ở các cơ quan báo chí thuộc tất cả các loại hình báo chí. Qua đó giúp giảng viên vừa tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, vừa tổng kết thực tiễn để đưa vào bài giảng, tạo sự phong phú, sinh động, thu hút sự say mê trong giảng dạy và học tập của thầy và trò.

Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc rèn nghề từ những tờ báo nội bộ, nhà trường còn phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức nhiều cuộc thi cho sinh viên như: Cuộc thi phim ngắn SCTV, cuộc thi “bút trẻ viết phóng sự trên báo Pháp luật Việt Nam”, giao lưu 60 phút bạn và tôi trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội, triển lãm ảnh “ống kính sinh viên”…

Không chỉ khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên học nghề, rèn nghề từ thực tiễn làm báo, trường CĐ Truyền hình còn duy trì và đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt nghiệp vụ, nghe nói chuyện thời sự, hội thảo trao đổi nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt, thông qua Liên chi hội nhà báo Đài THVN, các hoạt động giao lưu giữa các nhà báo với nhà giáo và giữa các nhà báo với sinh viên đã được đẩy mạnh.

Cũng thông qua tổ chức hội nhà báo cấp trên, trường CĐ Truyền hình đã mời các nhà báo giàu kinh nghiệm về tham gia giảng dạy tại trường. Đây là một bước cụ thể hóa mối quan hệ giữa thực tiễn làm báo với đào tạo người làm báo và hoàn toàn phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ.

Đến trường CĐ Truyền hình, bạn sẽ bị cuốn vào guồng quay tác nghiệp của các phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên tương lai. Đó chính là những tờ báo nội bộ, nhưng cách thức hoạt động như một cơ quan báo chí. Ở các tờ báo này cũng có đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên, có trường quay, có studio âm thanh… Sinh viên thực hành sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, các tờ báo in, báo mạng hoàn chỉnh theo một quy trình sản xuất khép kín như các cơ quan báo chí chuyên nghiệp.

Một trong những nhân tố liên quan đến chất lượng giáo dục chính là khả năng thúc đẩy việc tự học và tự nghiên cứu trong giảng viên và học sinh sinh viên. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của việc đào tạo theo phương thức tín chỉ. Do vậy, nhà trường đã đầu tư nâng cấp và mở rộng thư viện với rất nhiều đầu sách, khai trương thư viện Video - một loại hình thư viện mới, tiện ích và mang tính đặc trưng của trường CĐ Truyền hình.

Để chuẩn bị cho đào tạo theo tín chỉ, nhà trường đã mời các chuyên gia đầu ngành tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp đào tạo tín chỉ, triển khai xây dựng chương trình khung, xây dựng đề cương bài giảng…

Cùng với hệ thống phòng học, phòng thực hành được trang bị khá đầy đủ thiết bị, môi trường cảnh quan cũng được đầu tư cải tạo thành một không gian xanh, sạch đẹp, phù hợp với không gian mở trong đào tạo tín chỉ.

Có thể nói, những kết quả trong đổi mới phương pháp dạy học của trường CĐ Truyền hình những năm qua đã khẳng định hướng đi đúng, là tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhà trường chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ - một phương thức đào tạo tiên tiến của thế giới, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đào tạo báo chí ở Việt Nam nói chung và ngành Truyền hình nói riêng.

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.