Những điều nhỏ mà… không nhỏ

Đăng bởi VTV 0 Bình luận

13 Tháng 8 2014

Tại thời điểm này, ở nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, các thiết bị cầm tay trên nền tảng đa phương tiện đã trở nên quen thuộc thì tại Việt Nam, điều đó đang ở trong giai đoạn đầu. Không ít người trong giới trẻ Việt Nam xem một clip âm nhạc, xem một bộ phim hay xem một chương trình nào đó của truyền hình từ những thiết bị cầm tay. Trước đây, khi còn ở vị trí độc tôn, truyền hình và những người làm truyền hình thường chưa chú trọng nhiều đến chất lượng về nhiều mặt của sản phẩm hay của hệ thống truyền hình. Sự áp đặt đối với khán giả kéo dài trong nhiều thập kỷ. Khi mà xã hội công nghệ chưa phát triển, một chiếc máy thu hình được coi như trung tâm của gia đình. Văn hóa, xã hội, pháp luật, đời sống… được “tập trung” trong chiếc máy thu hình. Khán giả đón nhận, tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng của nó. Cũng chính điều đó đã làm cho người làm truyền hình lâu dần tạo ra một thói quen “tuyệt đối” trong việc cung cấp cho khán giả những sản phẩm của mình. Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến bộ mạnh mẽ đã làm thay đổi cuộc sống cũng như thay đổi trình độ, nhận thức của khán giả truyền hình. Người xem không còn thụ động tiếp nhận “tuyệt đối” những gì truyền hình đưa lại cho họ mà có quyền được tham gia vào quá trình hình thành và sản xuất chương trình truyền hình. Hiện nay, ta vẫn dùng cụm từ “tương tác”. Đó chính là quyền hạn của người xem truyền hình trong một thực tế xã hội phát triển như hiện tại.

Lý giải sơ qua một vài điều như vậy để muốn nói tới trách nhiệm của những người làm truyền hình ngày nay trước người xem và trước xã hội. Ngoài những điều học trong trường đào tạo chuyên ngành, người làm truyền hình thường phải tham khảo, tích lũy từ thực tế cuộc sống, đúc kết và trở thành một nền tảng kiến thức cho bản thân mình. Có như vậy, chúng ta mới có một sản phẩm hay, có giá trị, phục vụ khán giả. Thế nhưng, ngay cả thời kỳ độc tôn của truyền hình và cả hiện tại, khi truyền hình bị tác động mạnh bởi sự phát triển của hệ thống truyền thông đa phương tiện thì có thể nói, trong các sản phẩm truyền hình vẫn còn và tiếp tục còn những lỗi sơ đẳng nhất tới những lỗi lớn trong quá trình hình thành một tác phẩm truyền hình. Xin được đề cập một vài điều cần nói về những lỗi trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình.

Tính thẩm mỹ trong chương trình truyền hình

Ngày nay, khán giả không chỉ xem để biết thông tin một cách đơn thuần mà họ đã đủ năng lực tiếp nhận và thưởng thức cái đẹp, tính nghệ thuật… trong chương trình truyền hình. Điều này đúng cả với những chương trình thời sự, chính luận. Tính thẩm mỹ không chỉ được thể hiện ở nội dung chương trình mà còn ở góc độ chuyên môn như khuôn hình, góc độ máy, bối cảnh… Ngoài ra, khán giả đòi hỏi cả ở màu sắc (kỹ thuật truyền hình), nhân vật (diễn viên, nhân vật trong chương trình, phóng viên khi xuất hiện trên hình…). Không lạ khi thực tế, có khán giả còn theo dõi và phỏng đoán hôm nay biên tập A hay B sẽ mặc áo màu gì, đeo bông tai gì… Điều này sẽ bắt buộc người làm truyền hình phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất trong quá trình sản xuất chương trình. Đơn cử một vài ví dụ để thấy những chi tiết nhỏ nhất làm giảm chất lượng, giảm sự hấp dẫn với người xem truyền hình:

+ Phóng viên phản ánh về tình trạng lưu thông lộn xộn nhưng người xem thận thấy phóng viên đứng dẫn dưới lòng đường. Như vậy, vô hình chung, chính phóng viên cũng là người gây cản trở giao thông.

+ Phóng viên xuất hiện trên cánh đồng phản ánh việc khẩn trương gieo cấy vụ Đông. Nông dân đang cắm cúi cấy lúa, phóng viên đứng trên bờ, đầu tóc đẹp và khăn quấn cổ chỉn chu… Điều này, ít nhiều làm giảm sự hấp dẫn vì có sự trái ngược của hình ảnh. (Mặc dù không bắt buộc người phỏng vấn phải ăn mặc tềnh toàng, lội ruộng…).

+ Sự xuất hiện của biên tập viên trong trường quay càng cần có sự thận trọng hơn trong việc thể hiện cái đẹp. Biên tập viên tại trường quay dẫn dắt người xem xuyên suốt chương trình. Vì vậy, tâm lý người xem ngoài sự thiện cảm về trình độ của phóng viên, biên tập viên, họ còn “khắt khe” trong việc muốn nhân vật của họ phải đẹp, đẹp từ cách ăn mặc trở đi. Chính vì vậy, biên tập viên, phóng viên cũng không thể cứ tự nhiên có trang phục như đời thường được. Điều này thể hiện nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người xem.

Tu từ trong lời bình và lời dẫn

Đây có thể nói là lỗi dễ gặp nhất trong chương trình truyền hình mà người xem có thể thấy ở bất cứ thể loại nào. Rất may, người xem cũng không quá khắt khe. Nhưng ở góc độ chuyên môn, chúng ta cần xem xét và mổ xẻ thật kỹ. Có như vậy, chất lượng chương trình mới thực sự được nâng cao và hấp dẫn người xem.

Phần lời bình và dẫn dắt hiện trường (kể cả chương trình trực tiếp) trong chương trình truyền hình thường chúng ta hay vấp phải vấn đề là câu từ bị dài. Điều này xuất phát từ việc BTV, PV chưa hiểu kỹ vấn đề mình phản ánh nên thường vòng vo dài ý. Đây có thể coi là một căn bệnh trong quá trình sáng tác một chương trình truyền hình. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là cần tìm hiểu kỹ vấn đề, đưa ra nhiều giả thuyết sau đó chọn phương án tối ưu trong giải quyết vấn đề và đưa nó vào lời bình hay phần dẫn dắt. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được sự truyền đạt tới người xem một cách ngắn gọn, đủ ý.

Một điều quan trọng không kém, đó là việc chọn từ. Nhiều khi, chọn từ sai dẫn tới toàn bộ ý đồ tác giả bị hiểu nhầm hoặc người xem sẽ nhận ra ngay sự thiếu hiểu biết của người viết. Cũng xin đơn cử một vài tình huống như sau:

+ Biên tập viên thông báo tới người xem về tình hình thời tiết nóng nực, nhiệt độ rất cao,… nhưng khi dùng từ để nói là: nhiệt độ đạt được 40 độ C thì cần phải xem lại cách dùng từ. Ở đây việc nhiệt độ lên cao là điều con người không mong muốn. Vì thế khi BTV dùng từ “đạt” để chỉ nhiệt độ lên cao là không phù hợp. “Đạt được” thường được dùng cho điều gì đó phải bỏ công sức phấn đấu để đạt được. Trong trường hợp này, chỉ có thể dùng “nhiệt độ đã lên tới, hiện nhiệt độ đã vượt quá… ”.

+ Biên tập viên lên hình dẫn dắt tổng kết các sự kiện thể thao trong tuần: “… Những người hâm mộ thể thao trong tuần qua đã rất ấn tượng với việc các cầu thủ bóng đá có màn ẩu đả hỗn loạn…”. Việc dùng từ “ấn tượng” không đến là chưa chuẩn. Với những hành động phi bóng đá như vậy, người ta thường dùng từ mạnh mẽ hơn, thiên về sự cảm nhận phê phán. Trong trường hợp này, có thể dùng từ “… khán giả đã không đồng tình” hay “các cầu thủ đã để lại những sự nhức nhối trong lòng khán giả”. Thậm chí, nếu dùng từ “ấn tượng” thì cần làm rõ vế tiếp theo cho đầy đủ, ví dụ như: “đã để lại ấn tượng vô cùng xấu” v.v… Hai ví dụ như vậy để thấy rằng cách chọn từ vô cùng quan trọng trong việc truyền đạt một vấn đề tới khán giả.

Bên cạnh cách tu từ hay nói một cách đơn giản là cách chọn từ cho phù hợp, lâu cách, cách dùng từ để đặt câu hỏi phỏng vấn đã gây ra sự nhàm chán cho người xem cũng không phải là hiếm. Thậm chí có thể nói là đã tới mức vượt quá giới hạn. Chúng ta có thể thấy nó xuất hiện từ chương trình thời sự, tới chương trình chính luận, phim tài liệu hay ở nhiều chương trình khác. Đó là việc mở đầu cuộc phỏng vấn phỏng, biên tập viên thường luôn có một câu hỏi cửa miệng: Đồng chí hay ông, bà, anh, chị … có “cảm xúc” như thế nào … Đã đến lúc chúng ta cần tránh lối mòn này. Nếu muốn khai thác vấn đề đó thì không thiếu cách đặt câu hỏi khác đi nhưng vẫn đạt được mục đích. Đừng để những trường hợp không thể cứu được như: Vận động viên vừa chạy về đích, họ thở không ra hơi, nhưng phóng viên xuất hiện luôn và đưa ngay câu hỏi: “cảm xúc của anh như thế nào…?”.

Bên cạnh đó, đôi khi các biên tập viên, phóng viên đặt câu hỏi quá dài, tới mức hỏi xong, người trả lời không biết nói gì và không hiểu được PV muốn hỏi gì nữa.

Vẫn còn quá nhiều những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ cần đề cập. Nhân dịp này, chỉ mới chạm tới một vài khía cạnh. Hi vọng, những người làm truyền hình cần phải có trách nhiệm từ những điều nhỏ nhất trong quá trình sản xuất chương trình. Chỉ có vậy, mới đáp ứng được đòi hỏi cũng như trình độ của khán giả truyền hình trong xu hướng phát triển như hiện nay.

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.