Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2015

Ngọc Chí (Phóng viên VTV thường trú tại Trung Quốc - thoisu@vtv.vn)-Thứ tư, ngày 11/03/2015 06:30 GMT+7

Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Todayonline)

(VTV.vn) - Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống mức 7% từ mức 7,5% của năm ngoái.

Nếu nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới năm nay chỉ tăng khoảng 7% như mục tiêu đề ra thì đây sẽ là mức tăng thấp nhất trong vòng 1/4 thế kỷ qua. Tuy đã hạ mục tiêu nhưng để thực hiện mục tiêu này trong năm nay, Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi áp lực tăng trưởng chậm đang rất lớn.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Báo cáo công tác Chính phủ trước Quốc hội ngày 5/3 cho biết, nước này hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống mức 7%. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc đề ra một loạt biện pháp như: mở rộng bội chi ngân sách lên 2,3% GDP từ mức 2,1% của năm ngoái, tiếp tục giảm thuế và phí; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt để giảm chi phí huy động vốn; cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở xã hội và cơ sở hạ tầng...

Từ đầu năm đến nay, kinh tế Trung Quốc đã đón nhận rất nhiều tín hiệu khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế tạo đang có dấu hiệu thu hẹp hoạt động khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của ngành này trong hai tháng qua đã xuống dưới 50%. Đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới 50% kể từ tháng 9/2012.

Các nhà phân tích cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7% năm nay, Trung Quốc sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi tình trạng năng lực sản xuất dư thừa đang phổ biến ở nhiều ngành và đặc biệt là thị trường bất động sản có xu hướng tiếp tục ảm đạm.

Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ, Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết: “Chính phủ đang tiến hành đăng ký bất động sản theo một hệ thống thống nhất toàn quốc, công khai tài sản của công chức và thúc đẩy các bước, đặc biệt là về mặt lập pháp để tiến tới thu thuế bất động sản. Những động thái đó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang khó khăn hiện nay”.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, các khiếm khuyết của nền kinh tế sẽ bắt đầu lộ rõ khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và Chính phủ Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực rủi ro tài chính lớn đến từ hệ thống Ngân hàng "ngầm", thị trường bất động sản và nợ công của chính quyền các địa phương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm liên tục trong vài năm gần đây và chỉ đạt 7,4% trong năm 2014, mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua.

Bản đồ kinh tế thế giới sẽ thay đổi khi nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc ngay trong năm sau, năm 2016 và Ấn Độ có khả năng sẽ thay thế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước