Tôi ru em ngủ - những gam màu vui buồn

Nguyễn Ngọc Giang-Thứ bảy, ngày 12/04/2014 10:06 GMT+7

Tôi ru em ngủ là một trong những bài hát hay về ngôn từ, bay bổng về hình ảnh của Trịnh Công Sơn. Xuyên suốt bài hát là tư tưởng đối nghịch, có gam màu vui thì cũng có gam màu buồn. Những chuỗi hình ảnh hư huyễn như thế đã đem lại cho người nghe nhiều cảm xúc mới lạ.

Tôi ru em ngủ; Một sớm mùa đông; Em ra ngoài ruộng đồng; Hỏi thăm cành lúa mới. Từng câu, từng chữ không có gì là mới nhưng mang lại cho chúng ta một cái gì bâng khuâng, khó tả. Bánh xe luân hồi luôn luôn quay. Vòng thời gian sinh – diệt ; diệt – sinh luôn chuyển động không ngừng. Hình ảnh mùa đông / cành lúa mới mang lại cho chúng ta nhiều xúc cảm về cõi sống.Tôi ru em ngủ; Một sớm mùa thu; Em đi trong sương mù; Gọi cây lá vào mùa…Hình ảnh ở đây lấp lánh, đầy huyền ảo. Chúng tạo thành một khối thống nhất mang đến cho ta nhiều cảm giác, vẽ nên những nét vẽ đầy thanh tao nhưng có gì đó đượm buồn.

Quả thật đúng như vậy ! Có ý kiến nhận xét “Trịnh Công Sơn chắp cánh cho tưởng tượng, và tưởng tượng len lõi vào các hốc hẻm của đời sống, khiến cho anh sờ mó đến sự vật nào là sự vật ấy dường như bớt thật và trở nên lung linh bằng một quầng mộng ảo. Cho nên anh đi trước người khác một bước : ngạc nhiên trước người khác, mừng reo hay tư lự cũng trước người khác. Cái “có” đang nằm trong tay, anh đã sống với cái “mất” nó rồi. Đóa hoa nào đi qua lòng anh cũng trở thành đẹp hơn vẻ đẹp thật và đoán hoa đương độ lại nhuốm vẻ  não lòng của héo úa”.

Con đường thật buồn; Một ngày cuối đông; Con đường mịt mù; Một ngày cuối thu; Em vào mùa hạ; Nắng thắp trên cao; Và mùa xuân nào; Ngẩn ngơ tình mới… Nhạc sĩ Cao Huy Thuần viết “Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước”.

 

Trong khổ hát này, chúng ta thấy một chút xuân thì lại có một chút đông, một chút hạ thì lại có một chút thu. Với đông thì con đường thật buồn, thu thì con đường mịt mù. Trong khi đó vào hạ thì nắng thắp trên cao,  xuân thì ngẩn ngơ tình mới. Cái úa tàn lại điểm thêm một chút nắng, cái cũ lại điểm thêm một cái gì đó mới mẻ. Sự đối nghịch này làm cho câu hát càng mang màu sắc mới lạ. Nó như có một hấp lực hấp dẫn người nghe. Cái hấp lực đó khó mà tả được: Đi nhẹ vào đời; Thầm thì gót chân; Em gọi nụ hồng; Vừa tàn cuối sân; Nghe tình chợt buồn; Trong lá xôn xao; Để mùa xuân sau; Mua riêng tình sầu.

Và chúng ta tiếp tục bắt gặp sự đối nghịch giữa các đoạn. Nếu như đoạn trước: Tôi ru em ngủ; Một sớm mùa xuân; Em hôn một nụ hồng; Hỏi thăm về giọt nắng… là vui vẻ là hạnh phúc thì đoạn sau là cay đắng, là xót xa: Tôi ru em ngủ; Hạ cũng vừa sang; Em hôn lên tay mình; Để chua xót tình trần… Đúng là niềm vui chưa tày gang thì cái buồn đã tới.

Người ta cũng viết: “Lời trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo ra tên tuổi Trịnh Công Sơn. Lời ở đây, như đã nói, là truyện thơ, là hình ảnh siêu thực, nét chấm phá, những hoa gấm cho sóng nhạc.” Trong các bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh, chúng ta bắt gặp rất nhiều nét nhòe về hình ảnh. Nó là một trong những thủ pháp mà nhạc sĩ tài ba sử dụng.

 

 Tôi ru em ngủ
Sáng tác: Trịnh Công Sơn

 Tôi ru em ngủ một sớm mùa đông

Em ra ngoài ruộng đồng

Hỏi thăm cành lúa mới

Tôi ru em ngủ một sớm mùa thu

Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa

Con đường thật buồn một ngày cuối đông

Con đường mịt mù một ngày cuối thu

Em vào mùa hạ nắng thắp trên cao

Và mùa xuân nào ngẩn ngơ tình mới

Đi nhẹ vào đời thầm thì gót chân

Em gọi nụ hồng vừa tàn cuối sân

Nghe tình chợt buồn trong lá xôn xao

Để mùa xuân sau mua riêng tình sầu

Tôi ru em ngủ một sớm mùa xuân

Em hôn một nụ hồng

Hỏi thăm về giọt nắng

Tôi ru em ngủ

Hạ cũng vừa sang

Em hôn lên tay mình

Để chua xót tình trần...

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước